Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cần quy định ngay trong luật tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn
Nguyễn Lê - 18/06/2024 11:17
 
Việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được nhiều đại biểu nhấn mạnh là vấn đề quan trọng, cần công khai, minh bạch.
.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi (Dự thảo) với một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về phân phối kinh phí công đoàn.

Về nội dung này, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án.

Phương án 1 giao Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Phương án 2 xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (cơ quan soạn thảo) đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án tối ưu nhất, theo đó, Chính phủ chỉ quy định đối với những nơi “đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, còn những nơi khác thì vẫn giữ như hiện hành.

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu nghiêng về phương án 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) nói việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là vấn đề quan trọng, thể hiện sự công khai, minh bạch của việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Do đó, quy định cụ thể như Phương án 2 của Dự thảo là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Thông cho rằng việc đề xuất tỷ lệ cần bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW là “Rà soát, sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả”, cũng như bám sát thực tế hoạt động của công đoàn các cấp và dự liệu các vấn đề phát sinh trong thời gian tới.

Đồng thời, không nên quy định cứng “công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75%” hay “công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%” mà nên quy định theo hướng “tối thiểu 75%” và “tối đa 25%” để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của cả hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng nên quy định ngay tỷ lệ như phương án 2 của Dự thảo. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, theo bà Nga, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.

Cụ thể là nên quy định kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Dự thảo quy định “Ở doanh nghiệp chỉ có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thì tổ chức này được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn”. Bà Nga nhận xét, quy định trên chưa làm rõ trong trường hợp này, số tiền còn lại sau khi phân phối cho tổ chức của người lao động thì sẽ được tiếp tục phân phối, sử dụng như thế nào. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu làm rõ và bổ sung.

Một số vị đại biểu khác cũng nghiêng về phương án 2 để đảm bảo sự công khai, minh bạch, nhưng cũng có một số đại biểu chọn phương án 1.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nói, thực tiễn cho thấy nếu quy định một tỷ lệ xác định phân phối kinh phí công đoàn giữa các cấp và giữa các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như trong phương án 2 sẽ gây khó khăn, không khả thi để áp dụng. Bởi phương án này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình ra đời và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động, nhiệm vụ của từng cấp công đoàn trong mỗi giai đoạn,…

Cũng liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, một số vị đại biểu đề nghị Tổng liên đoàn báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường ( Hà Nội) đề nghị cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở. Bởi vì công đoàn cơ sở có một vai trò vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động hệ thống công đoàn, là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hoá các nghị quyết, chiến lược. Nhưng thực tế cho thấy hoạt động công đoàn có sở thời gian vừa qua có nhiều lúng túng, kém hiệu quả, vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt.

“Thực tế hiện nay, công đoàn cơ sở được ví như một cậu bé tí hon nhưng đang khoác trên mình chiếc áo quá lớn. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động. Điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng. Vì vậy cần thiết cụ thể cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động”, ông Nguyễn Phi Thường phát biểu.

 

Kinh phí công đoàn 2%: Đại biểu băn khoăn, Tổng Liên đoàn nói gì?
Tổng hợp báo cáo của các cấp Công đoàn, số dư nguồn tài chính công đoàn tích luỹ đến ngày 31/12/2023 khoảng 43.211 tỷ đồng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư