Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Phòng, chống rửa tiền: Cần bổ sung quy định về tiền ảo, tài sản ảo
Nguyễn Lê - 07/09/2022 17:35
 
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần quy định cụ thể hơn để tiền ảo, bất động sản không "lọt lưới" rửa tiền.
.
Phiên thảo luận dự án Luật Phòng, chống rửa tiền chiều 7/9.

Nhất trí với sự cần thiết phải sửa Luật Phòng, chống rửa tiền, song đại biểu Quốc hội còn lo ngại về những khoảng trống tại dự thảo luật.

Chiều 7/9, tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, thừa uyt quyền Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày tờ trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Thống đốc cho biết, Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) gồm 4 chương, 63 điều, đã bổ sung nhiều quy định mới so với luật hiện hành.

Cụ thể, với đối tượng báo cáo về phòng chống rửa tiền sửa đổi tên gọi hoạt động cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư thành hoạt động cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý; sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng… bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền cũng được bổ sung.

Theo đó định kỳ 5 năm, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền tại Việt Nam, trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá; việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền, chưa thuộc hoạt động của đối tượng báo cáo quy định tại Luật này. 

Quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng cũng có nhiều sửa đổi, trong đó có bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị (PEP).

Dự thảo đã quy định trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.

Về giám sát một số giao dịch đặc biệt, bà Hồng cho biết dự thảo quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp tăng cường phù hợp với mức độ rủi ro về rửa tiền; kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch, trường hợp có nghi ngờ về tính chính xác, mục đích của giao dịch, phải xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.

Báo cáo một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ sự tán thành phải sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo thuyết minh, phân tích kỹ hơn về tính cấp bách, các điều kiện cần và đủ để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.

Đồng thời, cần nhấn mạnh sự cần thiết và quan điểm sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền phải bảo đảm sự độc lập, tự chủ về kinh tế cũng như bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia; bám sát tình hình thực tiễn của đất nước, phù hợp với các Hiệp định đã ký kết, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; góp phần tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống rửa tiền, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt trong thời gian tới.

Về bổ sung quy định về cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị là người giữ chức vụ cao trong tổ chức quốc tế, tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo cần có quy định hướng dẫn, hỗ trợ về nguồn dữ liệu, cách thức để các đối tượng báo cáo có thể nhận biết được nguồn tài sản, nguồn tiền của khách hàng do đây là đối tượng khách hàng khó tiếp cận để thu thập thông tin.

Có ý kiến cho rằng, việc quy định Ngân hàng Nhà nước thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị cho các đối tượng báo cáo là không phù hợp mà nên giao cho Chính phủ quy định việc xác định khách hàng nào là cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị và phải trên cơ sở tiêu chí được quy định công khai minh bạch; căn cứ quy định không chỉ dựa trên khuyến nghị của tổ chức quốc tế mà còn dựa trên các căn cứ khác, trong đó có chính sách đối ngoại của Việt Nam, ông Thanh nêu rõ.

Về báo cáo giao dịch đáng ngờ, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, khối lượng báo cáo là tương đối lớn trong khi quy định các dấu hiệu đáng ngờ phần lớn vẫn là những dấu hiệu định tính, chưa thật sự rõ ràng và rất khó để xác định dấu hiệu đáng ngờ.

Như, “tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường”; “Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn”, “Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không rõ ràng, minh bạch”…

Ông Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lượng hóa các chỉ tiêu, tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung quy định tại các Điều này để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Khi Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày xong báo cáo, chỉ có 3 đại biểu đăng ký thảo luận, sau đó tiếp tục có thêm 3 vị nữa tham gia.

Đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, song một số ý kiến đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể hơn để tiền ảo, bất động sản không "lọt lưới" rửa tiền, để một số quy định trong đó có đình chỉ giao dịch đảm bảo hợp hiến.

Cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, cần có lực lượng đặc nhiệm về phòng chống rửa tiền, đại biểu Hà Phước Thắng (TP.HCM) góp ý.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP.HCM) cho rằng, với lĩnh vực bất động sản thì chưa rõ căn cứ, công cụ và hành lang pháp lý để cơ quan quản lý ngăn chặn hành vi rửa tiền, kể cả rửa tiền từ bên ngoài vào và từ trong nước ra ngoài.

Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) lo ngại rằng, thời gian gần đây, có nhiều đường dây đánh bạc rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, nhưng các hoạt động này nằm ngoài quy định pháp luật, chưa chịu sự quản lý của cơ quan chức năng. Dự luật Phòng, chống rửa tiền hiện chưa quy định về tiền ảo, tài sản ảo.

Tiền ảo, tài sản ảo vẫn lọt lưới rửa tiền, việc bổ sung quy định về tiền ảo, tài sản ảo là cần thiết, nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để tài chính bị lợi dụng rửa tiền, tham nhũng, tài trợ khủng bố, đại biểu Phước nêu quan điểm.

Báo cáo giải trình, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết  trong quá trình xây dựng luật, cơ quan chủ trì soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) đã đưa thêm đối tượng báo cáo là kinh doanh tài sản ảo. Nhưng qua rà soát quy định của pháp luật thì chưa có cơ quan quản lý cấp phép. Do đó, cơ quan soạn thảo sẽ trình Quốc hội giao Chính phủ quy định các đối tượng báo cáo mới và trước khi thực hiện sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Sau khi hoàn thiện, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại kỳ họp thứ tư (tháng 10/2022).

Không để tiền ảo lọt lưới rửa tiền
Liên tiếp những đường dây đánh bạc, rửa tiền thời gian gần đây đều sử dụng tiền ảo. Thế nhưng, tài sản ảo, tiền ảo hiện vẫn nằm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư