Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sữa Mộc Châu tính lên sàn HoSE, bán cổ phần cho Vinamilk và GTN Foods giá 30.000 đồng/cp
Thanh Thủy - 02/07/2020 11:19
 
Đây là một trong ba phương án tăng vốn của Mộc Châu Milk. Cùng kế hoạch mở rộng, Công ty dự kiến lên sàn, mở 100% room ngoại thay vì chỉ là công ty đại chúng như hiện nay.

Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều ngành nghề kinh doanh phải dè dặt hơn với những khoản đầu tư mới. Tuy nhiên, CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk), sau những thay đổi từ thượng tầng những cổ đông nắm giữ cổ phần, không có ý định chùn bước đầu tư.

Một danh mục các khoản đầu tư mới vừa được Mộc Châu Milk gửi đến các cổ đông để lấy ý kiến thông qua bằng văn bản. Cùng đó là kế hoạch huy động vốn mới từ các cổ đông với số vốn tăng lên là 1.249 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk sẽ tăng vốn điều lệ thông qua ba đợt. Trong đó, công ty dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu với khối lượng 3,34 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ thực hiện 100:5 với quyền mua không được phép chuyển nhượng. Giá chào bán cho cổ đông là 20.000 đồng/cp.

Công ty phát hành cổ phiếu riêng lẻ với khối lượng gần 39,2 triệu cổ phiếu. Số cổ phần không phân phối hết khi chào bán cho cổ đông hiện hữu cũng sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược này. Cụ thể danh tính nhà đầu tư chiến lược là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) và CTCP GTNFoods. HĐQT cũng trình cổ đông cho phép được ủy quyền quyết định khối lượng chào bán cụ thể cho từng nhà đầu tư.  Giá phát hành cho cổ đông chiến lược là 30.000 đồng/cp kèm theo điều khoản hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Ngoài ra, Mộc Châu Milk còn phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với khối lượng 668.000 cổ phiếu với giá chào bán 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP cũng bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Dự kiến, vốn điều lệ sẽ tăng từ 668 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Số vốn thu được trong các đợt này là 1.249 tỷ đồng.

Hai nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn đều là các tổ chức có mối quan hệ về sở hữ đối với  Mộc Châu Milk dù chỉ sở hữu gián tiếp. Cụ thể, sau thương vụ M&A năm ngoái, Vinamilk hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 75,3% vốn GTNFoods. Đơn vị này nắm giữ 73,7% vốn điều lệ Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico) – công ty mẹ sở hữu 51% Mộc Châu Milk.

Sữa Mộc Châu trình kế hoạch mở ộng đầu tư
Sữa Mộc Châu trình kế hoạch mở ộng đầu tư

Phương án tăng vốn trên gắn liền với kế hoạch đầu tư khủng của doanh nghiệp sữa này với số vốn cần thiết là 1.600 tỷ đồng. HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt tổng vốn đầu tư dự kiến cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Ngoài huy động lượng tiền mới thông qua tăng vốn điều lệ, số tiền còn lại sẽ được lấy từ nguồn vốn tự có khác của công ty hoặc đi vay thêm từ các tổ chức tín dụng.

Cùng với kế hoạch mở rộng trên, Mộc Châu Milk còn dự kiến sẽ “đại chúng” hơn thông qua việc đưa cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM (HoSE) trong vòng 9 tháng kể từ khi được cổ đông thông qua. Đồng thời, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Mộc Châu Milk cũng sẽ nới lên 100%, tương tự như Vinamilk sau khi doanh nghiệp này loại bỏ một số ngành nghề đăng ký kinh doanh có quy định giới hạn “room ngoại”.

Việc lấy ý kiến cổ đông sẽ được thực hiện rốt ráo. Trong khi danh sách cổ đông được chốt vào ngày 30/6, thời hạn cuối để các cổ đông gửi ý kiến về sẽ là ngày 15/7. Nghị quyết ĐHĐCĐ dự kiến sẽ được ban hành vào ngày 20/7. Như vậy, thời điểm cổ phiếu của Mộc Châu Milk lên sàn muộn nhất là vào 20/4/2021.

Vinamilk lý giải việc “không thâu tóm” Mộc Châu Milk
Vinamilk nâng sở hữu tại Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất (GTNFoods) lên 75%, gián tiếp sở hữu 51% tại Mộc Châu Milk với kế hoạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư