Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 01 năm 2025,
Sửa Nghị định 20: Hồi tố hàng nghìn tỷ đồng bằng bù trừ nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp các năm sau
Thanh Thủy - 20/04/2020 08:31
 
5 năm là khoảng thời gian tối đa cho các cơ quan thuế thực hiện hồi tố khoản thuế liên quan tới trần chi phí lãi vay tính trong thu nhập chịu thuế đã thực hiện trong năm 2017 và 2018. Theo yêu cầu của Thủ tướng, Nghị định dự kiến ban hành vào ngày 20/4.

Tại văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng do Văn phòng Chính phủ ban hành hôm 17/4, một hạn chót mới đã được đặt ra đối với Bộ Tài chính, cơ quan soạn thảo Nghị định sửa đổi khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017. Theo đó, Bộ Tài chính được yêu cầu hoàn thiện dự thảo, ký tắt nghị định, trình Thủ tướng ký, ban hành ngay trong hôm nay, 20/4.

Trước đó, đa số thành viên Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã đồng thuận với phương án xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng ký ban hành để áp dụng từ ngày 31/3. Như vậy, ít nhất đến ngày 17/4, bản dự thảo Nghị định cuối cùng vẫn chưa được trình.

Theo yêu cầu của Thủ tướng trong văn bản mới đây, Bộ Tài chính cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định đối với nội dung xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.

Thủ tướng đồng thời yêu cầu Bộ Tài chính có giải pháp quản lý chặt chẽ, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, không để phát sinh cơ chế xin cho khi xử lý hồi tố.

s
Hạn chót để ban hành Nghị định sửa đổikhoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017 là hôm nay (20/4)

Theo quy định hiện hành, khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ được trừ không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (EBITDA) của người nộp thuế.

Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định  20 được trình hồi tháng 11/2019, điểm thay đổi lớn nhất là Bộ Tài chính đã sử dụng lãi vay thuần (chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay) thay vì chi phí lãi vay phát sinh. Đồng thời, mức trần chi phí lãi vay được nâng từ 20% lên 30%.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm một số ngoại lệ như các giao dịch vay, cho vay của các dự án công ích, xã hội, dự án mục tiêu, trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Chính phủ, được Bộ Tài chính thẩm định phương án tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp EBITDA trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được trừ để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo, tương tự quy định xác định lỗ và chuyển lỗ theo luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Áp dụng theo quy định mới tại dự thảo này, số lượng các doanh nghiệp thuộc diện có phát sinh giao dịch liên kết bị khống chế trần chi phí lãi vay khi tính thu nhập chịu thuế sẽ giảm đáng kể. Như trường hợp tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai, chi phí lãi vay năm 2019 của doanh nghiệp này là hơn 1.263 tỷ đồng nhưng do có hơn 779 tỷ đồng lãi tiền cho vay nên chi phí lãi vay thuần vẫn thấp hơn mức trần (30% EBITDA).

Đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế xác định năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng; năm 2018 số chi phí lãi vay được trừ tăng lên 14.041 tỷ đồng. Với thuế suất 20%, số thuế TNDN mà các doanh nghiệp phải nộp tăng lên do quy định khống chế trần chi phí lãi vay là 4.875 tỷ đồng trong 2 năm 2017 và 2018. Ước tính có khoảng 1.000 doanh nghiệp nằm trong diện này.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc quyết định hồi tố hay không hồi tố khoản thuế đã thu. Trong khi đa số thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu đồng ý hồi tố Nghị định 20, Bộ Tài chính cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi bổ sung Nghị định 20 “không phải là lợi ích chung của xã hội”, do tác động đến khoảng 1.000 doanh nghiệp. Nếu hồi tố, theo Bộ Tài chính sẽ gây ra sự phức tạp trong nghiệp vụ và quản lý cán bộ ngành thuế. Đồng thời, Bộ này cho rằng có thể sẽ hụt thu nếu phải bồi hoàn lại tiền.

Việc áp dụng trần chi phí lãi vay 10 - 30% với các giao dịch liên kết là một trong các công cụ giúp chống lại các hoạt động chuyển giá và khắc phục tình trạng “vốn mỏng” (ưu tiên sử dụng vốn vay thay vì tăng vốn tự có để tăng chi phí lãi vay và tối đa hóa lợi nhuận) của các công ty đa quốc gia được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20) khuyến nghị ở các quốc gia. Ngoài những ngoại lệ được bổ sung gồm các Dự án công ích, xã hội, Dự án mục tiêu, trọng điểm, việc áp dụng quy định theo sửa đổi Nghị định 20 vẫn sẽ công bằng cho cả doanh nghiệp trong nước và nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khối FDI do vậy cũng sẽ hưởng lợi tương tự các doanh nghiệp trong nước.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư