Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 21 tháng 01 năm 2025,
Sữa ngoại tăng giá, sữa nội "nhấp nhổm"
Anh Tú- Hà Linh - 12/02/2014 07:29
 
Thông tin sữa sắp tăng giá trong những ngày vừa qua ít nhiều khiến thị trường sữa bị xáo trộn. Nhà phân phối tăng mua trong khi có doanh nghiệp chưa đáp ứng kịp, một số khác lại nhấp nhổm phương án tăng giá bán.  


Người tiêu dùng thêm đắn đo khi sữa tăng giá
(ảnh minh họa)

Hàng nhập khẩu tăng giá

Từ đầu năm 2014, giá các nguyên liệu chính (bột sữa, dầu bơ) trên thị trường thế giới đã tăng thêm từ 30% - 57% so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm 2013, hàng nhập về đến TP.HCM tăng giá mạnh. Bột sữa gầy tăng từ 3.650 USD/tấn lên 4.900 USD/tấn, tương đương 34%; Bột sữa béo tăng từ 3.600 USD/tấn lên 5.155 USD/tấn, tương đương 43%; Dầu bơ tăng từ 3.650 USD/tấn lên 5.746 USD/tấn, tương đương 57%. Sữa nguyên liệu tăng giá mạnh tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước.

Không chỉ nguyên liệu mà sữa bột thành phẩm nhập khẩu cũng tăng giá. Chủ đại lý sữa trên phố Hàng Buồm cho biết, từ 1-3-2014, sữa bột: Similac, Enfa, Pedia Sure… sẽ đồng loạt tăng giá thêm 7%, áp dụng cho cả sản phẩm dành cho người lớn, trẻ em, sữa chua, sữa nước. Như vậy, giá mới cho một số sản phẩm sẽ tăng. Ví dụ như: Enfa Grow 3A+ loại hộp 900g có giá 880.000 đồng/hộp thay vì 835.000 đồng/hộp hiện nay; Enfa MamaA+ Vanilla DHA power plus, hộp 400g, tăng lên 225.000 đồng/hộp thay vì 205.000 đồng/hộp như hiện nay. Trước đó, từ 1-1-2014, nhiều dòng sản phẩm sữa bột nhập khẩu của hãng Mead Jonhson và Abbott đã tăng thêm 4-7%.

Trước những nghi vấn của người tiêu dùng xung quanh việc tăng giá sữa từ 1-1-2014 của Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngày 5-12-2013, công ty này có văn bản kê khai giá gửi về Bộ Tài chính. Theo biểu kê khai này thì Mead Johnson Nutrition thực hiện điều chỉnh tăng giá đối với 16 sản phẩm dinh dưỡng công thức và kê khai mới 2 sản phẩm dinh dưỡng công thức. Mức giá bán áp dụng từ 12-12-2013. Tỷ lệ điều chỉnh tăng giá của các sản phẩm từ 5 đến 10% do giá nhập khẩu tăng. Theo Cục Quản lý Giá, nếu cố định các khoản chi phí khác thì các sản phẩm dinh dưỡng công thức do công ty này kê khai điều chỉnh giá là tương đối phù hợp.

Kẽ hở của Thông tư 30?

Dường như đã trở thành quy luật, giá sữa từ trước tới nay chỉ có tăng, không có giảm và thường được điều chỉnh vào 2 đợt, đầu năm và cuối năm. Người tiêu dùng sẽ không bất ngờ trước việc giá sữa tăng đầu năm nếu như không có sự ra đời của Thông tư 30 của Bộ Y tế nhằm quản lý chặt chẽ hơn sản phẩm dinh dưỡng có hiệu lực từ 20-11-2013. Diễn biến thị trường hiện tại không nằm trong quy định của Thông tư 30.

Theo các chuyên gia kinh tế, Thông tư 30 chỉ yêu cầu các doanh nghiệp kê khai giá, nhưng lại chưa thể kiểm soát được triệt để giá sữa nhập khẩu hay giá sữa thành phẩm sau sản xuất. Đây chỉ là cơ sở pháp lý để doanh nghiệp đăng ký giá chứ không phải là cơ chế để Nhà nước kiểm soát giá của doanh nghiệp nên chưa đem lại hiệu quả. Thêm vào đó, Luật Giá hiện đang cho phép các doanh nghiệp sữa được tăng giá từ 15 - 20% và mỗi lần tăng giá phải cách nhau tối thiểu 15 ngày. Như vậy, các doanh nghiệp sữa thoải mái tăng giá nhiều lần trong năm mà không sai luật. Thậm chí, việc đưa mặt hàng sữa vào danh mục hàng bình ổn còn giúp giá sữa tăng dễ hơn vì doanh nghiệp chỉ cần đăng ký với cơ quan chức năng.

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra 2 giải pháp quản lý: Một là chuyển sang cơ chế kiểm soát giá, áp mức trần cho giá sữa theo tỷ lệ lợi nhuận; Hai là hãy để giá sữa tự cạnh tranh theo thị trường.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Giá, cơ quan này sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, nếu có diễn biến xấu sẽ có biện pháp can thiệp, bình ổn. “Trong công tác quản lý giá, quan trọng nhất là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào. Chúng ta điều hành theo quy luật của thị trường, có định hướng của Nhà nước, nhưng không hành chính hóa trong điều hành giá”- ông Nguyễn Anh Tuấn nói. Trước đó, đại diện Cục Quản lý Giá cũng “úp mở”, việc các hãng sữa ngoại liên tục điều chỉnh giá đang được xem xét dưới góc độ nghi vấn có hiện tượng chuyển giá của các doanh nghiệp sữa.

Doanh nghiệp sữa nội “đứng ngồi không yên”

Trước diễn biến của giá nguyên liệu sữa nhập khẩu, các doanh nghiệp sữa trong nước cũng đang đau đầu tính toán phương án điều chỉnh giá. Đại diện doanh nghiệp sữa lớn của Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đã điều chỉnh giá sữa tăng thêm trung bình 6%, áp dụng từ ngày 10-2 không chỉ bởi công ty phải nhập khẩu sữa nguyên liệu, mà còn vì giá thu mua sữa tươi của nông dân đã tăng lên.

Không nằm ngoài dự đoán, ngay sau khi thông tin giá sữa biến động, nhiều nhà phân phối đã tranh thủ nhập hàng. Ông Phạm Văn Nhán- Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Mộc Châu cho biết: “Mấy ngày nay tiêu thụ hàng tăng vọt, công ty không chuẩn bị kịp để cung cấp ra thị trường, nhưng chủ yếu là nhà phân phối muốn “ôm hàng”. Chúng tôi chưa có phương án tăng giá bán sản phẩm vì sức mua mới tăng có vài ngày, chưa nói lên điều gì. Trước mắt cứ cố gắng đáp ứng đủ hàng theo nhu cầu là tốt rồi”.

Là doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 30% bột sữa nguyên liệu để sản xuất, ông Nguyễn Tuấn Khải- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sữa quốc tế (IDP) khẳng định: “Doanh nghiệp đang chết dở với hàng tồn kho mà vẫn phải tính chuyện tăng giá. Có thể cuối tháng này chúng tôi sẽ tăng, nhưng cũng chỉ dám điều chỉnh 4-5% thôi”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư