Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Sức mua giảm sốc vì Covid-19
Nhã Nam - 29/07/2021 20:16
 
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 giảm 19,8% so với cùng kỳ. 7 tháng, chỉ tăng nhẹ 0,7%.
Đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng khá nặng nề tới sức mua của nền kinh tế.

Không nằm ngoài dự báo, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước đã làm ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại, dịch vụ.

Theo đó, Tổng cục Thống kê cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm tới 8,3% so với tháng trước và giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 291,8 nghìn tỷ đồng, giảm 5,5% so với tháng trước và giảm 11,4% so với cùng kỳ. Tương ứng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 21,2 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 53,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 133 tỷ đồng, giảm 4,8% và giảm 92,6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, giảm 22,4% và giảm 43%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.791,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố, giá giảm 0,74% (cùng kỳ năm 2020 giảm 5,20%).

Như vậy là đợt dịch Covid-19 đang ảnh hưởng khá nặng nề tới sức mua của nền kinh tế. 6 tháng đầu năm, dù dịch cũng đã diễn biến phức tạp, song tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm, mức tăng là 7,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,27% (cùng kỳ năm 2020 giảm 6,56%).

Đang trong đà phục hồi, sức mua đã giảm sốc vì Covid-19. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới động lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, tiêu dùng nội địa cũng vẫn đang được coi là một trong những yếu tố quan trọng của “cỗ xe tam mã”, giúp thúc đẩy tăng trưởng.

Giờ đây, khi tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng, thì tăng trưởng kinh tế cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong khi doanh thu bán lẻ hàng hóa trong 7 tháng năm 2021 của một số đại phương vẫn tăng, như Hải Phòng tăng 7,5%; Đà Nẵng tăng 5,3%; Hà Nội tăng 3,4%, thì TP.HCM giảm 5,8%, Bắc Ninh giảm 0,5%..

Trong khi đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 7 tháng giảm ở rất nhiều địa phương. Cụ thể, Nghệ An giảm 17,1%; Hải Dương giảm 15,6%; Đà Nẵng giảm 13,8%; Hà Nội giảm 9,6%; TP.HCM giảm 5,2%...

Và tất nhiên, doanh thu dịch vụ lữ hành bị giảm nhiều nhất. Số liệu cho thấy, doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng năm 2021 ước tính đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,2% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, giảm 58,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sự sụt giảm mạnh ghi nhận ở nhiều địa phương: TP.HCM giảm 49,8%; Hải Phòng giảm 47,1%; Hà Nội giảm 43,5%; Đà Nẵng giảm 41,9%; Cần Thơ giảm 26,6%; Quảng Ninh giảm 24,6%...

Những số liệu này đã cho thấy tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 thứ 4 tới nền kinh tế. Phía trước còn nhiều khó khăn, vì dịch vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước.

Thiếu vắng dự án lớn, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xu hướng giảm
7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư