Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sức mua hàng Tết bắt đầu có dấu hiệu tăng tốc
Thế Hoàng - 17/01/2022 08:40
 
Thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bắt đầu sôi động hơn trong những ngày gần đây, khi sức mua có dấu hiệu tăng tốc.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hàng Tết đầy kệ

Chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường hàng hóa những ngày này đã sôi động hơn nhờ sức mua tăng tốc, tập trung mạnh vào nhóm hàng hóa thiết yếu.

Dù nhận định sức mua hàng hóa nhiều khả năng sẽ yếu hơn so với các năm trước do thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm vì dịch bệnh, nhưng Tết vẫn là mùa kinh doanh sôi động nhất trong năm với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa và các nhà bán lẻ.

Tại hệ thống bán lẻ hiện đại ở 2 đô thị lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, hàng Tết đã đầy ắp kệ, nguồn hàng đa dạng, chủ yếu là nông, thủy sản do các địa phương và doanh nghiệp nội cung cấp.

Thông tin từ Hệ thống siêu thị Tops Market, hàng Tết năm nay được siêu thị cung ứng đảm bảo 3 tiêu chí: thực phẩm tươi sống đa dạng; nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, uy tín; dịch vụ chu đáo.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail Việt Nam, sở hữu hệ thống Tops Market, GO! và Big C, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tươi sống tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với nhóm sản phẩm nhập khẩu trực tiếp, GO!, Big C nhập khẩu 1.500 tấn trái cây, hơn 2.000 tấn thịt lợn, thịt gia cầm, cá hồi đông lạnh, cá nguyên con đông lạnh các loại… để luôn sẵn sàng đầy đủ hàng hóa cung ứng cho dịp Tết.

“Hiện nhu cầu của khách hàng đang tăng cao, tốc độ mua sắm đã tăng mạnh so với 1 tuần trước, không chỉ đối với các sản phẩm tươi sống như rau, củ, quả, thịt, mà còn ở những dòng sản phẩm mùa vụ tết như đồ khô, kẹo, mứt tết cũng tăng trưởng vượt trội tại các hệ thống bán lẻ của Central Retail”, bà Vân nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc hệ thống siêu thị Coopmart Hà Đông cho hay, hàng hóa phục vụ Tết 2022 luôn dồi dào, siêu thị đã làm việc với các nhà cung ứng từ sớm để đảm bảo nguồn hàng thiết yếu.

Co.opmart đã thực hiện dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu nhân dịp Tết Nguyên đán với tổng giá trị lên đến gần 6.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước, nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của người dân trước, trong và sau Tết.

GO!, Big C đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để đảm bảo nguồn hàng ổn định, chuẩn bị sản lượng thịt lợn có thể cung ứng cao hơn 20%, thịt gà cao hơn 25% so với Tết 2021, cũng như các loại rau quả tươi sống có thể phục vụ xuyên suốt trong và sau Tết. Cùng với đó, các chương trình ưu đãi hàng Tết cũng được áp dụng cho cả khách mua tại cửa hàng và mua trực tuyến.

MM Mega Market cũng chuẩn bị đa dạng các loại hàng hóa và thực phẩm Tết từ vài tháng trước, với mức giá tốt nhất phục vụ thị trường cuối năm.

Gia tăng chốt đơn hàng online

Sức mua hàng Tết nóng lên, không chỉ ở kênh bán hàng trực tiếp, mà kênh thương mại điện tử cũng tăng mạnh do một bộ phận người tiêu dùng ngồi nhà đặt hàng, tránh tụ tập đông người nhằm giảm thiểu rủi ro trong thời buổi dịch bệnh.

Bắt nhịp xu hướng mua hàng này, các nhà bán lẻ, doanh nghiệp đã nâng cấp nền tảng online để nhận đơn hàng. MM Mega Market khuyến khích người dân đặt hàng trực tuyến qua 3 kênh là website MM Click & Get, kênh Zalo và số hotline của trung tâm gần nhất.

Kênh bán hàng trực tuyến của MM Mega Market có hơn 10.000 sản phẩm, tập trung vào các nhóm ngành hàng thiết yếu như bánh kẹo, mứt, thức uống, thực phẩm tươi sống để khách hàng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm cần thiết cho nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết.

Với mong muốn đẩy mạnh kênh mua sắm trực tuyến, MM Mega Market cho hay, khách hàng sẽ nhận được những ưu đãi như giao hàng trong vòng 4 giờ sau khi đơn hàng được xác nhận và miễn phí vận chuyển trong bán kính 7 km. Đặc biệt, nhằm nâng cao trải nghiệm của khách hàng khi mua sắm trực tuyến, đội ngũ giao hàng của MM Mega Market có thể thu xếp giao hàng theo sự thuận tiện của khách, kể cả giao sau giờ hành chính.

Đại diện Co.opmart xác nhận, do dịch bệnh ở Hà Nội ngày càng phức tạp, nhiều người dân có tâm lý ngại đến nơi đông người nên đã mua hàng trên kênh online. Do đó, ngoài việc siêu thị bán hàng trực tiếp, doanh nghiệp đẩy mạnh kênh bán hàng điện tử như mạng xã hội, zalo, đường dây nóng, đồng thời miễn phí vận chuyển cho mọi đơn hàng.

Về sức mua, theo ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam, đến nay người tiêu dùng vẫn còn khá thận trọng khi mua sắm, lượng khách hàng và sức mua đều chưa bằng so với cùng kỳ năm 2021. Song, với một số dấu hiệu tích cực của thị trường, sức mua sẽ tăng dần trong thời gian sắp tới, đặc biệt vào giai đoạn cận Tết.

Opus One Uông Bí: Đất nền pháp lý “sạch” hút dòng tiền dịp cận Tết
Nằm giữa khu vực các dự án tỷ đô của Quảng Ninh tâm điểm sôi động, Opus One Uông Bí đang trở thành dự án hút mạnh dòng tiền đầu tư dịp cuối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư