Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Suy giảm đơn hàng quý 4, dệt may vẫn có thể về đích 43- 44 tỷ USD
Thế Hải - 01/11/2022 07:29
 
Đơn hàng sụt giảm mạnh trong quý 4/2022 nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng đạt cao trong 9 tháng 2022 nên ngành dệt may vẫn tự tin cán đích mục tiêu xuất khẩu 43-44 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may giảm tốc trong quý 4 nhưng dự báo cả năm 2022 vẫn có thể cán đích mục tiêu 43-44 tỷ USD.
Xuất khẩu dệt may giảm tốc trong quý 4 nhưng nhờ tăng trưởng cao trong 9 tháng, dự báo cả năm 2022 vẫn có thể cán đích 43-44 tỷ USD.

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 xuất khẩu của ngành dệt may đã giảm 1,28 tỷ USD so với tháng 8. Thậm chí, tại một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành, dấu hiệu giảm đã xuất hiện từ tháng 8, như Mỹ giảm 3%, EU giảm 3,2% và đà suy giảm chưa dừng lại.

Nhưng, tính chung trong 9 tháng, tăng trưởng toàn ngành vẫn đạt cao với 35 tỷ USD, tăng 21%, trung bình mỗi tháng xuất khẩu 3,8-3,9 tỷ USD (Số liệu 10 tháng mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, xuất khẩu dệt may, xơ sợi, nguyên phụ liệu đã đạt 37,8 tỷ USD).

Phản ánh từ nhiều doanh nghiệp cho thấy, tại thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp may mới nhận kế hoạch sản xuất đến giữa tháng 10, đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…

Ông Cao Hữu Hiếu,Tổng giám đốc Vinatex trước đó cho biết, quý IV năm 2022, bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp cũng mệt hơn. Hầu hết các doanh nghiệp may xuất khẩu cho biết đơn hàng cho tháng 11, 12 thiếu khoảng 35% đến 50% năng lực hoặc có đơn hàng, nhưng cạnh tranh gay gắt về giá…

Trong khi đó, thị trường sợi dự kiến tiếp tục khó khăn, cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, giá xơ năm 2022 tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phân tích: "Những doanh nghiệp lớn có khách hàng truyền thống, lâu dài vẫn có đơn hàng đến đầu 2023 nhưng nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng, cùng đó, đơn giá sụt giảm, nhiều khách đặt hàng đưa ra mức giá chỉ đạt 50%, thậm chí 40% so với mức bình thường.

Tình hình thiếu đơn hàng thực tế không chỉ diễn ra với riêng dệt may mà nhiều ngành khác, bởi tình hình chung do các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU lạm phát tăng cao 6-7%, thậm chí có thời điểm lạm phát lên tới 10%, tăng trưởng kinh tế không đạt kỳ vọng, ảnh hưởng lớn đến sức tiêu dùng của người dân, trước đó là 2 năm đại dịch đã tác động lớn rồi. Nên sụt giảm đơn hàng có nguyên nhân từ những lý do này.

Một nguyên nhân nữa, sau thời gian dịch bệnh kéo dài khách hàng đặt lượng hàng rất lớn, nhất là từ quý IV/2021 đến giữa năm, thậm chí hết tháng 7/2022. Lượng hàng lớn lại gặp thời điểm kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao, tiêu thụ giảm rõ rệt đã khiến tồn kho tăng lên (chiếm 20-25%).

Dù đơn hàng quý 4 sụt giảm mạnh do các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU giảm chi tiêu, nhưng nhờ xuất khẩu tăng trưởng cao trong 10 tháng 2022 nên xuất khẩu cả năm 2022 dự kiến vẫn cán đích mục tiêu 43-44 tỷ USD.

"Nếu nhin vào tình hình quý 4 thì đúng là đang rất khó khăn, nhưng do tốc độ tăng trưởng 9 tháng đã khá cao, Vitas tính toán, nếu tình hình diễn biến xấu như hiện nay đến hết năm thì khả năng mỗi tháng ngành vẫn có thể xuất khẩu được tối thiểu 3 tỷ USD, do đó mục tiêu 43-44 tỷ USD vẫn có thể đạt được. Còn nếu tình hình khả quan hơn thì có thể cao hơn 1 chút so với mục tiêu", ông Cẩm dự tính.

Trong bối cảnh hiện nay, đại diện Vitas lưu ý, doanh nghiệp sản xuất phải theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động trong thời gian trước mắt, nhưng không nên quá lo lắng và ký các đơn hàng dài hơi với giá thấp, về lâu dài sẽ rất thiệt thòi.

Vitas đồng thời cũng đưa ra kịch bản xuất khẩu năm 2023, nếu tình hình khó khăn của quý 4 kéo dài hết quý 1, quý 2 trở lại trạng thái bình thường thì mục tiêu xuất khẩu 47-48 tỷ USD, tăng 8%.

Nếu tình hình khó khăn kéo dài, đến giữa năm thì mục tiêu khoảng 46 tỷ USD, tăng nhẹ so với 2022.

Lợi nhuận 9 tháng tăng, nhưng Vinatex đang lo thiếu đơn hàng cuối năm
Lợi nhuận hợp nhất 9 tháng của Vinatex đạt 1.150 tỷ đồng, đạt 124% kế hoạch, dự kiến năm 2022, Vinatex về đích với lợi nhuận 1.393 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư