Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Suy thận mạn: Nỗi lo của cả người trẻ
D.Ngân - 01/11/2023 07:24
 
Nếu như cách đây chục năm suy thận mạn chỉ gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi thì hiện tại bệnh đã xuất hiện ở những người trẻ với tỷ lệ cao.

Ám ảnh nỗi đau

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa nội thận-tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, hiện cơ sở đang có gần 130 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại Khoa. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng khoảng 5 - 10%.

Caption ảnh

Có trường hợp nam thanh niên 18 tuổi được phát hiện bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho hay, nhóm bệnh nhân trẻ đang tuổi lao động, do vậy hệ lụy suy thận mạn tính làm giảm sức khỏe của người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội, để lại gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành Y tế.

Về nguyên nhân khiến tỷ lệ suy thận ở người trẻ tăng theo chuyên gia, trong nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, phải kể đến thói quen sử dụng thuốc Nam một cách vô tội vạ của người dân hiện nay.

Còn thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, cơ sở vừa tiếp nhận 2 trường hợp bện nhi suy thận. Một bệnh nhi 6 tuổi thận hư, phù cơ thể tăng đến 8kg; một bệnh nhi 16 tuổi rơi vào tình trạng suy thận nặng do gia đình tự ý sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Ngày 4/12, bé trai T.X.H (6 tuổi, Hà Nội) vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng phù nề ở vùng chân và mặt, có nguy cơ quá tải dịch. 

Qua khai thác tiền sử, các bác sĩ cho biết suốt 2 tháng qua gia đình không cho trẻ đi khám khi trẻ có biểu hiện sưng phù mắt, tay, chân, mà tự ý điều trị bằng thuốc nam và châm cứu theo phương pháp dân gian truyền miệng. 

Bệnh tình của trẻ không thuyên giảm mà ngày một nặng hơn, trẻ mệt mỏi, tiểu ít tăng cân nhanh bất thường (tăng đến 6-7kg, tức khoảng 20% cân nặng trong một thời gian ngắn).

Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chẩn đoán lâm sàng và làm một số xét nghiệm, bệnh nhi được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư tiên phát và được chuyển đến điều trị tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Tại đây các bác sĩ đã tiến hành điều trị theo phác đồ của hội chứng thận hư tiên phát không đơn thuần, đến ngày 6/12, tình trạng trẻ đã dần ổn định.

Không may mắn như trường hợp trên, cháu bé N.A (15 tuổi, Thanh Hóa) được chuyển đến lên Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch do suy hô hấp, suy thận mạn. 

Trước đó, 2/2022, bố mẹ phát hiện chân trẻ bị phù nên có cho trẻ đi khám tại 2 bệnh viện ở Hà Nội và được chẩn đoán là mắc hội chứng thận hư. 

Gia đình về điều trị tại Bệnh viện địa phương, nhưng do thấy kết quả chưa được như mong muốn nên đã không tuân thủ phác đồ của bác sĩ mà tự ý chuyển sang dùng thuốc Nam và cả thuốc Bắc. 

Được khoảng 2 tháng thì thấy sức khỏe trẻ ngày một yếu đi, chân phù nặng hơn, cơ thể mệt mỏi. Ngày 4/12, N.A suy hô hấp, tăng huyết áp phải thở oxy để chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. 

Ngay khi tiếp nhận, trẻ đã được các bác sĩ Khoa Thận và Lọc máu tiến hành làm các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm tim, điện tim và chạy thận cấp ngay trong đêm để đảm bảo tính mạng cho trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương, do bệnh nhi N.A đã suy thận mạn 3 tháng nay không uống thuốc đều và dùng thuốc nam nên tình trạng rất nặng, sẽ phải chạy thận nhân tạo trong khoảng 5 ngày, sau đó sẽ chuyển sang thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng). 

Bỏ thói quen dùng thuốc vô tội vạ

Trước thực trạng bệnh suy thận mạn đang tăng nhanh ở trong quần thể dân cư, đặc biệt trong đó có nhiều người trẻ- những người đang ở trong độ tuổi lao động với nhiều đam mê, khát vọng và hoài bão.

Sẽ thật là đau đớn và tuyệt vọng khi cuộc đời phía sau sẽ phải gắn với chiếc giường bệnh đắt đỏ và những cuộc chạy thận kéo dài thâu đêm, suốt sáng.

Vậy nên để không phải chịu đựng ác mộng và ám ảnh ấy, theo lời khuyên của các bác sĩ, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người bệnh cần phải tham khảo ý kiến của thầy thuốc.

Về công tác điều trị bệnh nhân suy thận mạn, theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm thận - tiết niệu - lọc máu của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận.

Vị chuyên gia này cho rằng, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. 

Khi xuất hiện những biểu hiện rõ ràng, bệnh nhân hầu hết đều đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ. Nếu không được chạy thận nhân tạo, suy thận sẽ gây ra các biến chứng có thể khiến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo yếu tố di truyền, hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.

Ngoài ra, với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.

Với người có bệnh lý nền, cần được thăm khám, điều trị ổn định. Mọi người cũng cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính.

Còn theo bác sĩ Tuyên, chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận, đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn.

"Khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn không thể chữa khỏi được. Nếu phát hiện sớm và điều trị bảo tồn sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận, do thận bị mất chức năng quá nặng", bác sĩ Tuyên nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư