Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 06 tháng 10 năm 2024,
Tai nạn pháo tự chế gia tăng dịp cận Tết
D.Ngân - 10/01/2024 16:48
 
Mới đây, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.

Mới đây, Khoa Chấn thương Chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận nhiều ca bệnh bị tai nạn nghiêm trọng do sử dụng pháo nổ tự chế hoặc tự chế pháo nổ học theo hướng dẫn trên mạng để chơi.

Bác sĩ của Bệnh viện Trung ương quân đội 108 đang thăm khám cho bệnh nhân.

Nam sinh 12 tuổi (sinh năm 2011, Quảng Ninh) nhập Bệnh viện Trung ương quân đội 108 trong tình trạng dập nát bàn tay do nổ pháo tự chế.

Khai thác thông tin từ người nhà cho biết, khoảng 21 giờ ngày 31/12/2023, bệnh nhân bị tai nạn do pháo nổ trong lúc đang tự chế pháo. Ngay sau băng cầm máu ở tuyến trước, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Bệnh viện Trung ương quân đội 108, được phẫu thuật xử trí vết thương kỳ đầu theo nguyên tắc xử trí vết thương hỏa khí.

TS.Nguyễn Viết Ngọc, Khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, bàn tay phải bệnh nhân dập nát, ngón cái đứt rời và dập nát toàn bộ ô mô cái, ngón 3 đứt rời đốt 2-3, các ngón 2,4,5 dập nát phần mềm và xương gãy phức tạp nhiều vị trí. Kíp phẫu thuật đã xử trí cắt lọc tổn thương, găm đinh cố định các ngón và để ngỏ tôn thương.

Bệnh nhân được điều trị kháng sinh, thay băng chăm sóc vết thương và đã khâu vết thương và ghép da làm liền vết thương thì 2. Khi vết thương liền da ổn định sẽ được khám xét lại để thực hiện tiếp phẫu thuật chuyển ngón chân cái phục hồi ngón tay cái.

Vừa qua nhiều ca tai nạn liên quan đến pháo tự chế phải nhập viện gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ của việc này.

Khoa Bỏng, Chỉnh trực Bệnh viện Nhi Đồng vừa qua cũng tích cực điều trị các vết thương ở vùng mặt, bàn tay phải… cho nam bệnh nhi T. (SN 2009, Gia Lai) vì chế tạo pháo tại nhà.

Theo lời người nhà, do đang ở tuổi khám phá, tò mò nên T. có tham khảo thông tin chế tạo pháo trên mạng. Sau đó em đã đặt mua hóa chất rồi thực hành theo. Sự việc chỉ được phát hiện khi cả nhà nghe tiếng nổ lớn, T. được đưa vào cơ sở y tế gần nhà sơ cứu rồi chuyển lên bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, ghi nhận T. dập nát bàn tay phải, bỏng vùng mặt, mắt và bộ phận sinh dục.

Báo cáo của Bộ Công an cũng cho hay thời gian qua nhiều vụ án liên quan đến hành vi tự chế pháo trái phép, gây ra hậu quả khôn lường đã xảy ra.

Đặc biệt, vào thời điểm gần Tết, các vụ tai nạn liên quan pháo tự chế lại gia tăng, để lại hậu quả đáng tiếc. Có những trường hợp phải chịu thương tổn suốt đời như cụt tay, bỏng nặng ở vùng mặt, mất thị lực…, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.

TS.Ngọc khuyến cáo tổn thương do pháo nổ thường là phức tạp, nhiều trường hợp tổn thương nhiều vị trí như bàn tay, mặt, thân người…nên điều trị khó khăn, tốn nhiều thời gian và thường để lại di chứng nặng nề, thậm chí mất chức năng vĩnh viễn.

Vào dịp sát Tết và Tết Nguyên đán hàng năm, Khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị vết thương bàn tay do pháo nổ, đa số bệnh nhân ở độ tuổi từ 10-16 tuổi tự chế pháo để chơi Tết.

Trước sự nguy hiểm của pháo tự chế, theo bác sĩ mỗi gia đình cần nâng cao cảnh giác, tuyên truyền, vận động người thân, con em chấp hành nghiêm các quy định về quản lý pháo, không tự ý chế tạo, sử dụng pháo nổ (thuốc pháo) để ngăn chặn nguy cơ, hậu quả đáng tiếc xảy ra từ pháo nổ.

Đồng thời, các lực lượng chức năng, nhà trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về những nguy hại của pháo nổ, thuốc nổ cho người dân, đặc biệt là đối với học sinh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư