Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tài xế công nghệ “méo mặt”, tắt app vì giá xăng tăng quá cao
Phương Linh - 07/03/2022 16:20
 
Trong lúc dịch bệnh căng thẳng, nhu cầu di chuyển giảm mạnh nhưng giá xăng liên tục lập đỉnh khiến các tài xế công nghệ nản lòng, muốn tắt app.

Thị trường xăng dầu trong nước đã có mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của thị trường xăng dầu thế giới. Cụ thể, ngày 1/3 vừa qua là lần gần nhất, Liên bộ Công Thương - Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu. Điều này đã đẩy giá xăng dầu tăng đạt mức kỷ lục trong vòng 8 năm vừa qua.

Giá xăng cao, lượng khách giảm, tài xế trong tình trạng dậm chân tại chỗ. (Ảnh: Phương Linh)

Lượng khách giảm, “khốn đốn’ vì giá xăng  

Sau khi biết tin giá xăng dầu lại tiếp tục tăng từ ngày 1/3, anh Quốc Trường (29 tuổi, quê Nghệ An) đang làm cho một hãng xe công nghệ ở Hà Nội tỏ rõ sự chán nản và băn khoăn không biết có nên tiếp tục làm nghề này nữa hay không.

"Hồi trước mình đổ đầy bình chỉ khoảng 50.000 đồng, bây giờ lên đến 80.000-100.000 đồng. Chạy 1 tuần hết gần 500.000 đồng tiền xăng, tốn nhiều thế nhưng thực ra toàn chạy quanh chờ cuốc đón khách, có kiếm được bao nhiêu đâu. Trong khi đó, chiết khấu trả cho ứng dụng vẫn như vậy nên thu nhập trung bình bị giảm đi nhiều" anh Trường cho biết.

Cùng tâm trạng, anh Huy Hoàng (31 tuổi, quê Thái Bình) cũng chia sẻ: “Kể từ sau khi Hà Nội cho xe ôm công nghệ hoạt động trở lại, tài xế chạy khá. Người dân đi làm bình thường, các cuốc xe "nổ" liên tục. Đặc biệt, nhu cầu đặt đồ ăn, ship đồ tăng rất mạnh nên nếu chạy chăm chỉ từ sáng tới tối, có ngày cũng kiếm được 800.000 - 1 triệu đồng".

"Thế nhưng khoảng 1- 2 tuần trở lại đây, cả khách lẫn lượng đặt đồ ăn giảm rất nhiều. Có ngày chạy từ sáng đến tối mới được chưa đầy 2 chục đơn cả khách và giao đồ ăn, thu chưa tới 450.000 đồng. Trừ đi chiết khấu, tiền xăng,... tính ra chưa được 300.000 đồng. Cuộc sống khó khăn hơn, bỏ nghề bây giờ cũng chưa biết làm gì khác nên vẫn phải chạy xe thôi, kiếm được bao nhiêu hay bấy nhiêu.”

Trao đổi với phóng viên, một nhóm tài xế Be tại phố Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết sở dĩ họ phải tụ tập lại một chỗ, ngồi uống trà đá từ sáng đến tối là vì để tiết kiệm xăng. Việc di chuyển đến nhiều địa điểm một cách vô định trong lúc này thì chỉ có lỗ to vì xăng đang rất đắt. Nếu có khách, họ sẽ phải lên ứng dụng bản đồ tìm kiếm quãng đường sao cho ngắn nhất để tiết kiệm chi phí.

Tùy từng loại xe khác nhau, hiện tại một ngày mỗi tài xế trong nhóm này tiêu tốn khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng tiền xăng, nhiều hơn khoảng 30% so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Giá nhiên liệu tăng, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. (Ảnh: Phương Linh)

Nhiều doanh nghiệp mắc kẹt khi xăng dầu lên giá 

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng liên tục và chưa có dấu hiệu giảm, hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá cước vận tải. Việc này giúp hỗ trợ khách hàng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là trong thời kỳ kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, chi phí xăng dầu tăng, việc giữ nguyên giá cước sẽ khiến doanh nghiệp bị thiệt hại lớn.

Anh Mạnh Hải (28 tuổi, Vĩnh Phúc) cho biết: “Mọi thứ đều tăng, giá cước không đổi nên thu nhập giờ giảm tới 30 - 40%, chật vật mãi vẫn chưa được 10 triệu đồng/tháng. Xăng tăng tới 5- 6 lần rồi mà vẫn chưa thấy công ty báo điều chỉnh giá cước".

Do vậy, để có thể bù chi phí và giúp các tài xế giảm bớt gánh nặng về thu nhập, việc tính đến phương án tăng giá cước sử dụng dịch vụ là điều một sớm một chiều mà doanh nghiệp cần thực hiện.

Hà Nội: 700 shipper và 8.321 điểm bán hàng hóa phục vụ người dân
Sở Công Thương Hà Nội đã lập danh sách 700 shipper giao nhận hàng hóa và công bố 8.321 điểm bán hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng Thủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư