Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tâm điểm thu hút đầu tư của TP. Cần Thơ
Trúc Giang - 11/08/2018 08:56
 
TP. Cần Thơ hiện có 8 khu công nghiệp (KCN) tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập. Đây chính là tâm điểm thu hút đầu tư của địa phương.

Đáp ứng nhu cầu đất sạch cho nhà đầu tư

Các KCN của TP. Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được quy hoạch xây dựng ở vị trí  đắc địa “tiền sông, hậu lộ”, trung tâm của vùng nguyên liệu, thuận tiện cho việc thu mua, vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa và xuất nhập khẩu.

Theo Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, trong các KCN tập trung của Thành phố hiện có 235 dự án còn hiệu lực, thuê 390,095 ha đất công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,620 tỷ USD, vốn đầu tư đã thực hiện 1,001 tỷ USD. Trong đó, có 23 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 377,017 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 256,153 triệu USD, chiếm 67,94% vốn đăng ký.

Các KCN tại Cần Thơ hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế -  xã hội của Thành phố. Trong ảnh: KCN Trà Nóc (TP. Cần Thơ). Ảnh: Hữu Phúc
Các KCN tại Cần Thơ hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trong ảnh: KCN Trà Nóc (TP. Cần Thơ). Ảnh: Hữu Phúc

Về hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN Cần Thơ đạt tổng doanh thu 776,595 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 577,281 triệu USD, dịch vụ thương mại đạt 199,313 triệu USD, xuất khẩu đạt 304,389 triệu USD. Các KCN của TP. Cần Thơ đang giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động của địa phương và các tỉnh lân cận trong vùng.

Nhìn chung, các KCN tại Cần Thơ hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế -  xã hội của Thành phố. Riêng năm 2017, doanh thu của các doanh nghiệp trong các KCN tại Cần Thơ đạt 1.528,77 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 608 triệu USD, nộp ngân sách gần 2.000 tỷ đồng.

Tình hình thu hút đầu tư vào TP. Cần Thơ gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại địa phương. Vì vậy, nhu cầu về đất sạch để triển khai các dự án đầu tư trở nên cấp thiết. Đây cũng là vấn đề mà lãnh đạo Thành phố và Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ luôn quan tâm chỉ đạo.

Trong thời gian qua, tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng tại một số KCN trên địa bàn TP. Cần Thơ còn chậm, do nhiều nguyên nhân, như công tác đền bù giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, năng lực tài chính và quản lý của các chủ đầu tư còn hạn chế... Những điều này ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả thu hút đầu tư của Thành phố.

Ông Lư Thành Đồng, Trưởng ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, Ban thường xuyên đôn đốc các đơn vị kinh doanh hạ tầng khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng theo đúng tiến độ đã cam kết. Đối với các trường hợp chậm triển khai hoặc không triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban báo cáo xin ý kiến UBND Thành phố cho phép giảm quy mô diện tích đầu tư.

Thời gian qua, TP. Cần Thơ đã tiến hành thu hồi bớt diện tích đất của một số chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN trên địa bàn thiếu năng lực, chậm triển khai để giao cho các nhà đầu tư khác có đủ năng lực hơn.

Tích cực cải thiện môi trường đầu tư

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cũng luôn được Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ quan tâm thực hiện.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên, Phó trưởng ban, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cho biết, trong những năm qua, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường xúc tiến đầu tư của Thành phố, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp trong các KCN. Ban luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh để tăng trưởng tốt, vừa tạo niềm tin cho nhà đầu tư, góp phần xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã tích cực thực hiện cải cách hành chính, trong đó coi trọng nhiệm vụ rút ngắn tối đa thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy phép xây dựng, Giấy phép lao động, cấp Chứng nhận xuất xứ hàng hóa form D… Ban cũng đã thực hiện niêm yết 37 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động.

Hiện nay, cán bộ, công chức của Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thực hiện các thủ tục hành chính đúng theo quy trình ISO 9001:2008 đã phê duyệt, thực hiện tốt phần mềm Hồ sơ công việc và phần mềm Một cửa điện tử. Ngoài ra, các phòng chuyên môn cũng thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính, đề nghị chỉnh sửa hoặc bãi bỏ các thủ tục không còn phù hợp hoặc không cần thiết, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.

Việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng phần mềm Một cửa điện tử tại Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ đã mang lại hiệu quả tích cực, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hầu hết hồ sơ của doanh nghiệp, nhà đầu tư đều được giải quyết trước hạn và đúng hạn, không có hồ sơ bị trễ hạn so với quy định.

Đánh giá cao nỗ lực cải cách thủ tục hành chính của Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ nói riêng và TP. Cần Thơ nói chung, ông Nam Jung Dae, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ cho biết, lãnh đạo Thành phố, Ban Quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ cùng các sở, ngành, địa phương đã quan tâm hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện

thuận lợi cho doanh nghiệp từ lúc tiếp cận, triển khai xây dựng nhà xưởng cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đơn giản hóa các thủ tục kinh doanh, đầu tư.

“Công ty chúng tôi đã đầu tư xây dựng nhà máy ở nhiều địa phương, nhưng thời gian giải quyết thủ tục cấp phép đầu tư tại TP. Cần Thơ là nhanh nhất. Đặc biệt, đối với dự án của Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ, UBND TP. Cần Thơ đã thành lập Tổ chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng do Phó chủ tịch UBND Thành phố làm Tổ trưởng, nhờ đó, công tác giải phóng mặt bằng Dự án của Công ty trong giai đoạn I đã hoàn thành xong trong vòng chưa đến 70 ngày”, ông Nam Jung Dae bày tỏ.

8.000 tỷ đồng được cấp chứng nhận chủ trương và trao giấy đăng ký đầu tư vào Cần Thơ
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Cần Thơ năm 2018 diễn ra vào sáng nay, ngày 10/8/2018 tại TP. Cần Thơ, đã có 10 dự án được cấp quyết định chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư