Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cần Thơ kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn
Hữu Phúc - 11/08/2018 08:14
 
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ khẳng định, chính quyền thành phố sẽ kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của nhà đầu tư.

Cần Thơ chia sẻ tiềm năng, lợi thế gì với nhà đầu tư theo như chủ đề của Hội nghị là “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”, thưa ông?

TP. Cần Thơ có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); có kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật phát triển. Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, Cần Thơ còn là trung tâm kinh tế - tài chính, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật và y tế của vùng, có nguồn nhân lực dồi dào với trình độ chuyên môn kỹ thuật khá cao... Theo định hướng của Trung ương, TP. Cần Thơ sẽ đóng vai trò là trung tâm và là động lực phát triển cho Vùng ĐBSCL.

TP. Cần Thơ có nhiều tiềm năng hợp tác với nhà đầu tư. Ảnh: Xuân Hội
TP. Cần Thơ có nhiều tiềm năng hợp tác với nhà đầu tư. Ảnh: Xuân Hội

Nhìn tổng thể, Cần Thơ là đô thị trẻ, giàu tiềm năng trong bức tranh phát triển năng động của Vùng ĐBSCL. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ, Cần Thơ có lợi thế để phát triển kinh tế nông nghiệp với các nông sản chủ lực bao gồm lúa, các loại trái cây đặc sản, thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Cần Thơ đã hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh như chế biến thủy sản, dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, nhựa, hóa chất… Thành phố hiện có 8 khu công nghiệp tập trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập với tổng quy mô trên 2.279 ha, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng của các nhà đầu tư.

Với vị trí nằm giữa các tuyến sông lớn của khu vực và hệ thống sông ngòi đan xen tạo thành hệ sinh thái miệt vườn sông nước, cây trái xanh tốt quanh năm. Cùng với đặc điểm lịch sử văn hóa mang đậm dấu ấn của địa phương, Cần Thơ còn có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch với những sản phẩm đặc trưng là du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch homestay, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng...

.
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ

Về thương mại, dịch vụ, TP. Cần Thơ là trung tâm mua sắm và là nơi tập trung hàng hóa, cung cấp dịch vụ thương mại cho Vùng ĐBSCL và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Trong năm 2017, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ của TP. Cần Thơ đạt trên 106.041 tỷ đồng (chỉ đứng sau TP.HCM và Hà Nội).

Ngoài ra, với dân số gần 1,3 triệu người, trong đó có trên 75% trong độ tuổi lao động, Cần Thơ có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, cung cấp kịp thời lực lượng lao động chuyên nghiệp, có tay nghề cho các doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng lao động tại địa phương.

Đặc biệt, với kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông thủy - bộ thuận lợi, hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế, dịch vụ logistics... được quan tâm đầu tư phát triển đã tạo điều kiện cho TP. Cần Thơ kết nối thuận tiện với các địa phương trong vùng và toàn quốc, đóng vai trò là một trong những đầu mối xuất nhập khẩu của cả nước.

Thưa ông, để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những lĩnh vực nào TP. Cần Thơ đang ưu tiên mời gọi đầu tư ?

Quan điểm của Thành phố là, các dự án mời gọi đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ, mà còn có thể tạo hiệu ứng lan tỏa cho cả Vùng ĐBSCL.

Với tinh thần đó, Thành phố đã công bố danh mục 54 dự án mời gọi đầu tư, có tổng diện tích là 4.780 ha, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 124.000 tỷ đồng, tập trung ở các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; công nghệ thông tin, logistics và năng lượng; cơ sở hạ tầng du lịch; bất động sản; giao thông, văn hóa, thể thao, y tế...

Ông đánh giá như thế nào về triển vọng thu hút đầu tư vào các dự án này?

Điều đáng phấn khởi là, trong 54 dự án Thành phố mời gọi đầu tư, đã có 44 dự án đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp được các nhà đầu tư thể hiện sự quan tâm. Các dự án này có tổng diện tích 4.401 ha, tổng nguồn vốn đầu tư dự kiến trên 112.900 tỷ đồng. Trong số 44 dự án kể trên đã có 22 dự án (diện tích 2.756,3 ha, tổng vốn đầu tư trên 82.000 tỷ đồng) được nhà đầu tư sẵn sàng triển khai ngay sau Hội nghị khi các thủ tục pháp lý đáp ứng.

Trong niềm vui với kết quả bước đầu mang lại đó, thú thật, chúng tôi cũng đang có điều khó xử là, có những dự án có từ hai đến ba nhà đầu tư đăng ký, nên Thành phố phải xây dựng tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, làm một cách công tâm nhất để nhà đầu tư không được chọn cũng “tâm phục, khẩu phục”.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP. Cần Thơ. Theo ông, có thể coi đây là tín hiệu vui đối với Thành phố trong việc mời gọi đầu tư ?

Sắp tới, Thành phố sẽ được Trung ương ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý, sẽ tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để TP. Cần Thơ phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của vùng và cả nước. Theo tôi, đây sẽ là cú hích rất quan trọng trong thu hút đầu tư đối với TP. Cần Thơ.

Thưa ông, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được chính quyền TP. Cần Thơ thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Trong thời gian qua, cùng với thực triển khai kịp thời những cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương, TP. Cần Thơ đã thực hiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi tiếp cận, triển khai thực hiện các dự án đầu tư tại địa phương từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông; hỗ trợ, đầu tư đối với dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ về tín dụng; đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, đổi mới công nghệ.

Việc tổ chức đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được thực hiện thường xuyên. Nhờ đó, trong vòng 6 năm trở lại đây, TP. Cần Thơ luôn nằm trong top 15 tỉnh, thành phố của cả nước về Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Riêng trong năm 2017, Cần Thơ xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố trong Bảng Xếp hạng PCI.

Trong thời gian tới, chính quyền Thành phố tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng TP. Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn của doanh nghiệp, nhà đầu tư.

SỐ LIỆU TỔNG QUAN KINH TẾ TP. CẦN THƠ NĂM 2017

GRDP: (giá so sánh 2010): 66.627,4 tỷ đồng

GRDP: tăng 7,83% (so với năm 2016)

GRDP trên đầu người: 72,96 triệu đồng

Cơ cấu kinh tế:

+Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 8,70%

+Công nghiệp- Xây dựng: 32,65%

+Dịch vụ: 58,65%

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ: 1.768,9 triệu USD

Kim ngạch nhập khẩu: 427,9 triệu USD

Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ: 106.041 tỷ đồng

Tổng vốn đầu tư trên địa bàn: 55.860 tỷ đồng

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2017 (PCI): xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trong cả nước

Doanh thu từ du lịch: 2.900 tỷ đồng

Tổng lượt khách đến Cần Thơ: 7,5 triệu người (trong đó có 1,9 triệu lượt khách lưu trú)
Cần Thơ mời gọi đầu tư hơn 50 dự án, tổng vốn trên 5,4 tỷ USD
Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Cần Thơ năm 2018 với chủ đề: “Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển”, Hội nghị xúc tiến đầu tư TP. Cần Thơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư