Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tâm lý thận trọng đẩy chứng khoán châu Á vào hỗn độn
Lê Quân - 14/08/2020 12:22
 
Chứng khoán Hàn Quốc giảm sâu trong khi một số thị trường lớn khác của châu Á vẫn tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng 14/8.
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng 14/8. Ảnh tư liệu: AFP
Chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng 14/8. Ảnh tư liệu: AFP

Nhà đầu tư dè chừng giao dịch do Mỹ vẫn bế tắc về gói cứu trợ kinh tế mới chống dịch Covid-19 và kết quả của cuộc họp đánh giá việc thực hiện thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 dự kiến diễn ra cuối tuần này là khó đoán.

Chứng khoán Australia sáng nay đón sắc xanh với chỉ số ASX 200 nhích 0,24% ngay lúc mở cửa, còn chỉ số riêng biệt tài chính tăng mạnh hơn 0,75%. Cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Australia đều tăng điểm, ngoại trừ cổ phiếu Ngân hàng Commonwealth giảm 1,38%. Trước đó, Ngân hàng Commonwealth công bố lợi nhuận năm tài khóa kết thúc tháng 6 vừa qua. Cụ thể, lợi nhuận hoạt động ròng sau thuế của ngân hàng này "bay hơi" 11,3% so với cùng kỳ năm trước do nợ xấu tăng cao vì Covid-19.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 lên điểm 0,12% còn chỉ số Topix nhích cao hơn 0,18%. Trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi giảm sâu 1,21%.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục sáng nay cũng khởi sắc. Chỉ số Shanghai Composite tăng điểm 0,11%, trong khi hai chỉ số Shenzhen Component và Shenzhen Composite lần lượt tăng 0,81% và 0,58%. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng gần như đi ngang.

Chứng khoán châu Á sáng nay trái chiều sau khi Phố Wall đêm qua tiếp tục chứng kiến chỉ số S&P 500 hụt mất cơ hội lập đỉnh từ tháng 2/2020, dù thị trường lao động Mỹ tuần qua có tiến triển tốt hơn so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, ông Vishnu Varathan, phụ trách mảng kinh tế và chiến lược tại Bộ phận tài chính của Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) cho rằng, sự lạc quan đó là chưa phù hợp trong bối cảnh gói cứu trợ kinh tế mới của Mỹ vẫn bế tắc.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cho biết bà sẽ không khởi động lại đàm phán với phe Cộng hòa về gói cứu trợ kinh tế mới cho đến khi phía Cộng hòa tăng quy mô hỗ trợ thêm 1.000 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, có thể việc thông qua dự luật này sẽ mất thêm vài tuần nữa.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow đã xác nhận trên kênh truyền hình CNBC rằng chính quyền Washington và đảng Dân chủ vẫn bế tắc trong đàm phán dự luật về gói cứu trợ kinh tế trên.

Các quan chức của Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ họp trực tuyến vào cuối tuần này (ngày 15/8) nhằm đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, sau gần 6 tháng thực thi.

Quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong những tuần gần đây sau khi Tổng thống Donald Trump ban hành sắc lệnh hành pháp "cấm cửa" 2 công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, gồm Tencent và ông chủ ứng dụng video TikTok - ByteDance.

Trước đó, Mỹ cũng ban hành lệnh trừng phạt đối với 11 công dân Trung Quốc, bao gồm cả Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam. Đáp lại, Bắc Kinh cũng áp lệnh trừng phạt 11 công dân Mỹ, trong đó có một số nghị sĩ.

Theo chuyên gia Varathan, cuộc họp giữa các quan chức hai bên cuối tuần này chẳng khác nào “cuộc sát hạch” xem liệu xung đột Mỹ - Trung sẽ leo thang ra sao trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Thị trường tiền tệ sáng nay chứng kiến đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu. Chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm 0,07% xuống 93,269. Đồng yên Nhật Bản gần như đi ngang so với mức chốt phiên hôm qua và giao dịch quanh mức 106,96 JPY/USD, còn đô la Australia trượt giá 0,14% so với đô la Mỹ xuống mức 1 AUD đổi 0,7138 USD.

Giá dầu trên thị trường châu Á đi lên. Giá dầu thô Mỹ giao sau tăng nhẹ 0,17% lên 42,31 USD/thùng, còn dầu Brent giao kỳ hạn nhích giá 0,2% lên 45,05 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán: Áp lực cắt margin không lớn
BCTC quý II đã lộ diện với bức tranh xám màu của nhiều doanh nghiệp, tạo nên sự e ngại của nhà đầu tư về việc các CTCK cắt giảm hàng loạt cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư