Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Tám sai lầm “chết người” khi lập kế hoạch kinh doanh
Lan Chi - 28/12/2013 21:55
 
Dưới đây là 8 sai lầm nghiêm trọng nhất mà doanh nghiệp hay vấp phải khi lập kế hoạch kinh doanh. Vài mẹo để tuyển dụng được lập trình viên giỏi
sai lầm “chết người” khi lập kế hoạch kinh doanh
Kế hoạch kinh doanh tốt góp phần quan trọng
vào thành công của doanh nghiệp

1. Kế hoạch kinh doanh không đầy đủ

Mọi doanh nghiệp đều có khách hàng, sản phẩm/dịch vụ, marketing và bán hàng, quản lý, đối thủ cạnh tranh.

Đó là những khía cạnh bắt buộc phải nêu rõ trong kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh còn cần bao hàm cả những đánh giá về ngành, đặc biệt là những xu hướng của ngành, như thị trường sẽ tăng trưởng hay thu hẹp.

Cuối cùng, kế hoạch kinh doanh của bạn cần đưa ra những dự báo chi tiết về tài chính, như dòng tiền mặt và thu nhập hàng tháng, quyết toán năm. Theo kinh nghiệm chung, trong kế hoạch kinh doanh, cần đưa ra những dự kiến về tài chính trong tối thiểu 3 năm hoạt động.

2. Kế hoạch kinh doanh quá mơ hồ

Kế hoạch kinh doanh không phải là cuốn tiểu thuyết, không phải là bài thơ và cũng không phải là bảng mật mã. Nếu một người nào đó đã tốt nghiệp trung học mà không hiểu kế hoạch kinh doanh của bạn thì có thể nói, kế hoạch kinh doanh đó không đạt và bạn cần viết lại.

Nếu cố giữ sự mập mờ về thông tin vì hoạt động kinh doanh của bạn liên quan đến những tài liệu, quy trình hoặc công nghệ cần độ bảo mật cao, thì bạn cần đưa ra tóm tắt ngay ở phần đầu kế hoạch kinh doanh.

3. Kế hoạch kinh doanh quá chi tiết

Đừng sa đà vào những thông tin kỹ thuật quá chi tiết. Đây là lỗi chung của những người mới khởi nghiệp. Nếu cần chi tiết hơn, bạn đưa những thông tin chi tiết này vào bản phụ lục. Một cách làm phổ biến là chia kế hoạch kinh doanh thành 3 phần: phần tóm tắt (2 – 3 trang), phần nội dung đầy đủ (10 – 20 trang) và phần phụ lục. Với cách này, mọi người có thể dễ dàng đọc kế hoạch kinh doanh theo mức độ quan tâm của mình.

4. Kế hoạch đưa ra những giả định thiếu cơ sở và không thực tế

Trong bất cứ kế hoạch kinh doanh nào cũng đầy rẫy những giả định. Tuy nhiên, giả định quan trọng nhất là kinh doanh của bạn sẽ thành công. Những kế hoạch kinh doanh tốt nhất phải làm rõ những giả định quan trọng nhất, chứng minh tính hợp lý của chúng và định rõ cách thức để đạt được mục tiêu đề ra.

Ngược lại, những kế hoạch kinh doanh tồi chôn vùi các giả định trong suốt kế hoạch kinh doanh của mình và không ai biết những giả định đó bắt đầu từ đâu và khi nào kết thúc.

Quy mô thị trường, mức giá có thể chấp nhận được, hành vi mua hàng của khách hàng, thời gian tung sản phẩm/dịch vụ ra thị trường – tất cả những cái đó đều liên quan đến những giả định. Bất cứ ở đâu có thể, hãy kiểm tra những giả định của mình so với thực tế thị trường, trong ngành, với các sản phẩm/dịch vụ tương tự để gắn những giả định của mình với thực tế.

5. Kế hoạch kinh doanh dựa vào nghiên cứu không đầy đủ

Điều quan trọng là phải gắn những giả định của mình với thực tế. Cần nghiên cứu mọi thứ liên quan đến hoạt động kinh doanh và ngành mà bạn đang tham gia, như thói quen mua hàng, các động lực mua hàng, mối lo ngại phổ biến của khách hàng, đối thủ cạnh tranh, quy mô của thị trường và thị phần, xu hướng của thị trường nói chung.

6. Cho rằng không có rủi ro kinh doanh

Bất cứ nhà đầu tư nhạy cảm nào đều hiểu rằng, mọi hoạt động kinh doanh đều mang trong mình mức độ rủi ro nào đó. Bạn phải hiểu và lường trước những rủi ro có thể xảy ra. Khi nêu ra nguy cơ rủi ro, thì bạn cũng cần làm rõ cách giảm thiểu những nguy cơ đó.

7. Cho rằng không có đối thủ cạnh tranh

Trong thực tế, mỗi doanh nghiệp thành đạt đều có những đối thủ cạnh tranh, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Bạn cần có kế hoạch để đối phó với sự cạnh tranh ngay từ khi bắt đầu. Bạn cần xác định những cách thức để có thể cạnh tranh và nêu bật những lợi thế cạnh tranh của mình trong kế hoạch kinh doanh.

8. Thiếu lộ trình thực hiện

Một kế hoạch kinh doanh tốt đưa ra tổng quan về hoạt động của doanh nghiệp trong hiện tại, trong ngắn hạn và trong dài hạn. Tuy nhiên, nó không chỉ mô tả hoạt động của doanh nghiệp trong từng giai đoạn, mà còn cho biết, bạn cần làm gì để chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Nói cách khác, kế hoạch kinh doanh đưa ra một “lộ trình” cụ thể và khả thi cho hoạt động kinh doanh. Kế hoạch này phải bao hàm những mục tiêu cụ thể cần đạt được trong từng giai đoạn.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư