Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tâm tư của giới kinh doanh trước cuộc gặp với Thủ tướng
Bảo Duy - 10/02/2017 08:30
 
Thông tin về việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp vào cuối tháng 3 tới, dù vừa được công bố vào hôm qua (9/2), nhưng đã lan truyền rất nhanh trong giới kinh doanh cũng như doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cùng giới kinh doanh háo hức, bởi họ đang chứng kiến và hưởng lợi rất lớn từ những thay đổi vô cùng mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh sau cuộc gặp đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2016 với thông điệp Chính phủ liêm chính và hành động vì sự phát triển của người dân, doanh nghiệp. Hẳn nhiên, doanh nghiệp và giới kinh doanh tiếp tục kỳ vọng vào những thay đổi tích cực tiếp theo.

Nhưng vẫn còn những vướng mắc mà doanh nghiệp kiến nghị trong lần gặp trước chưa được giải quyết, trong khi đã xuất hiện thêm vấn đề cần lý giải. Đó là việc hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp liên tục lên tiếng, gửi kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của Hội đồng Nhân dân TP. Hải Phòng có hiệu lực vào đầu tháng 1/2017.

.
Hàng loạt hiệp hội doanh nghiệp liên tục lên tiếng, gửi kiến nghị trực tiếp tới Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại quyết định thu phí hạ tầng cảng biển của Hội đồng Nhân dân TP. Hải Phòng có hiệu lực vào đầu tháng 1/2017

Nỗi lo tận thu và cát cứ đang lớn dần, đánh vào niềm tin ứng trước của doanh nghiệp với Chính phủ.

Đó là nỗi lo ngày càng tăng đang đổ dồn vào sự xuất hiện của Dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại do Bộ Công thương được giao chắp bút, trình Chính phủ. Về cơ sở pháp lý, dự thảo này nhằm thực hiện Khoản 4 Điều 6, Luật Thương mại 2005. Song câu hỏi đặt ra ở đây là vào thời điểm hội nhập và cạnh tranh đang là chìa khóa của phát triển, thời điểm Chính phủ đang nỗ lực hiện thực thông điệp trả lại quyền kinh doanh cho thị trường, thì bàn chuyện nhà nước giữ độc quyền theo cách dựng hàng rào danh mục ngành nghề, thay vì áp dụng quy định về điều kiện kinh doanh liệu có hợp lý?

Tạm chưa bàn tới danh mục 20 loại hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong Dự thảo, dù có nhiều lĩnh vực cần giải trình rõ sự tồn tại của chúng trong danh mục, ngay cả việc đương nhiên là Nhà nước có trách nhiệm độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt, thì đó không phải là đặc quyền. Việc thực hiện trách nhiệm này cũng phải tuân thủ theo yêu cầu mới của nền kinh tế, với tư duy thị trường mà Việt Nam đã mất 30 năm qua hướng tới.

Nỗi lo trên khiến doanh nghiệp phải đặt trong thế chờ đợi dù có những thông tin tốt về môi trường kinh doanh trong tuần. Trong số những thông tin này, phải kể đến Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Khác với 3 phiên bản trước tập trung tháo gỡ các vướng mắc hiện hữu, lần này, Chính phủ đặt yêu cầu cải cách cao hơn, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc khó, nhưng đã được giao tới từng cơ quan cụ thể những đầu việc cụ thể, nên chắc sẽ có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những yêu cầu trên chỉ mang lại hiệu quả cao nếu có sự thay đổi trong nền tảng tư duy của các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách.

Cân đối giữa thông tin mới liên quan tới môi trường kinh doanh trong tuần này, có thể thấy cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan thực thi chính sách cùng doanh nghiệp cần phải nỗ lực rất lớn mới có thể sớm hình thành được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Doanh nghiệp muốn gặp Thủ tướng hàng năm
 Hơn 300 đại diện doanh nghiệp tư nhân đã có mặt tại Hội nghị sáng nay, 28/4. Một con số áp đảo so với 20 doanh nghiệp nhà nước và khoảng 50 doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư