Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tăng bệnh nhân nhập viện do giá rét kéo dài
D.Ngân - 01/02/2023 11:08
 
Theo thông tin từ một số bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, số người nhập viện do ảnh hưởng của giá rét tăng khá cao.

Tăng cao bệnh nhân nhập viện

Tại Bệnh viện Bạch Mai, trong hơn 1 tuần qua đã tiếp nhận gần 2.000 người nhập viện, trong đó nhiều trường hợp bị đột quỵ rất nặng. PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi thời tiết chuyển sang rét đậm, rét hại thì bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu tăng đáng kể và số ca nặng cũng tăng cao. Cụ thể, ngay mùng 1 tết Quý Mão, tại Trung tâm Đột quỵ có 3 ca đột quỵ rất nặng.

Bệnh nhân đột quỵ đang điều trị tại bệnh viện.

Cùng lo ngại, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, nhiệt độ giảm sâu nhiều ngày qua có thể làm nặng thêm các bệnh tiềm ẩn, đặc biệt ở người cao tuổi.

"Khi thời tiết quá lạnh có thể làm cho hệ thống mạch máu của cơ thể co lại, dẫn tới các cơn tăng huyết áp đột ngột khiến những người lớn tuổi hay người có bệnh lý nền không thể thích nghi, gây xuất huyết não", bác sĩ Khiêm giải thích.

Chuyên gia lý giải, khi trời lạnh nguy cơ bị đột quỵ tăng 80%, đặc biệt khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C và nhiệt độ giảm đột ngột. Sở dĩ như vậy là do nhiệt độ lạnh có thể làm mạch máu co lại, gây tăng huyết áp. Trời lạnh cũng có thể làm máu cô đặc lại, có thể dẫn đến hình thành cục máu đông.

Trong mùa đông lạnh, nhiều người trở nên lười vận động tập thể thao hơn, và đây cũng có thể là một yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, trời lạnh mang lại nhiều căng thẳng stress cho cơ thể kết hợp những thói quen không lành mạnh như ăn và uống quá nhiều.

Tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người cao tuổi phải nhập viện điều trị do các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, xương khớp và hô hấp… cũng tăng khá cao do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại kéo dài. 

Còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được đưa tới khám bệnh và phải nhập viện điều trị khá nhiều, khoảng 1.400-1.600 trẻ/ngày, trong đó phần lớn bị viêm đường hô hấp, ho sốt. 

Đặc biệt, rét đậm, rét hại không chỉ làm gia tăng bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến cuối mà tại nhiều bệnh viện ở các tỉnh miền núi như: Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang..., số bệnh nhân tới khám điều trị cũng tăng nhiều.. 

Tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả

Để phòng tránh đột quỵ khi trời lạnh theo chuyên gia người dân cần thường xuyên theo dõi huyết áp khi thời tiết thay đổi. Và ngay khi cơ thể có những thay đổi nhẹ hoặc huyết áp tăng cao bất thường, ngay lập tức liên hệ với ​​bác sĩ để có thể phải kê đơn và điều chỉnh thuốc cho bạn. 

Đồng thời cần khám bác sĩ định kỳ để kiểm soát các bệnh lý nền thật tốt như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, … tránh tiếp xúc đột ngột với thời tiết lạnh, đặc biệt khi trời lạnh dưới 15 độ C. 

Mặc quần áo ấm phù hợp khi đi ra ngoài đội mũ len, đeo găng tay, đi giầy, mặc quần áo ấm. Duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo ý kiến của bác sĩ. Giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh như không ăn mặn, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol. Không uống rượu và ăn quá nhiều. Tránh căng thẳng, stress quá mức. Không hút thuốc lá, thuốc lào.

Thời điểm Đông - Xuân là cao điểm của một số bệnh lý đường hô hấp, trong khi dịch Covid -19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Vì vậy chúng ta cần chủ động có những biện pháp để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh tật để đón một mùa xuân thật ý nghĩa.

Khi thời tiết quá lạnh có thể làm cho hệ thống mạch máu của cơ thể co lại, dẫn tới các cơn tăng huyết áp đột ngột khiến những người lớn tuổi hay những người có bệnh lý nền không thể thích nghi, gây xuất huyết não.

Do đó, trong những ngày trời rét đậm, người cao tuổi cần chú ý ăn uống đủ chất, duy trì hoạt động thể chất thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Với những người có bệnh mãn tính, huyết áp, cần sử dụng thuốc hàng ngày và đo huyết áp thường xuyên. 

Đối với trẻ em, cần phải luôn giữ ấm cơ thể, vệ sinh mũi miệng tốt nhằm tránh nguy cơ bị viêm đường hô hấp, đồng thời cần chú trọng dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ bị ho, sốt, các gia đình nên đưa trẻ đến bệnh viện, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị.

PGS.TS. Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng thời tiết mùa mùa Đông- Xuân thuận lợi cho các loại vi trùng, virus, nấm mốc… phát triển mạnh mẽ gây nên các căn bệnh về đường hô hấp.

Vì vậy, cần tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ, cũng như tiêm các vắc-xin phòng bệnh hô hấp như tiêm vắc-xin cúm hàng năm, vắc-xin phế cầu mỗi 5 năm một lần.

Cũng theo PGS.TS. Phan Thu Phương, khi tham dự mùa lễ hội mỗi người cần thường xuyên rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn có cồn hoặc bằng xà phòng và nước.

Người dân cần rửa tay sau khi trở về từ nơi công cộng, trước và sau khi ăn uống, trước khi chuẩn bị thức ăn; che miệng và mũi của bạn bằng khuỷu tay hoặc khăn giấy khi bạn ho hoặc hắt hơi.

Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng ngay lập tức và tuân thủ vệ sinh đường hô hấp cũng như các quy định kiểm soát nhiễm khuẩn, bạn sẽ bảo vệ những người xung quanh khỏi virus gây bệnh hô hấp như cúm và Covid-19.

Về chế độ dinh dưỡng cần ăn uống hài hòa và đảm bảo dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Cụ thể, ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

Uống nước ấm, tránh ăn uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, động vật ốm chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư