Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tăng chi nhập khẩu thức ăn gia súc
Thế Hải - 27/12/2021 17:26
 
Nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu dự kiến chạm ngưỡng 4,87 tỷ USD trong năm 2021, vượt hơn 1 tỷ USD so với năm 2020.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kỷ lục nhập khẩu

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng gần chục lần. Giá các loại nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi như ngô, đậu tương, lúa mỳ, dầu mỡ cũng tăng chóng mặt. Chẳng hạn, 11 tháng qua, lượng ngô nhập khẩu chỉ bằng 85% cùng kỳ năm 2020, nhưng do giá ngô tăng, nên trị giá nhập khẩu tăng gần 24%. Tương tự, kim ngạch đậu tương tăng 43,5%, dầu mỡ động thực vật tăng 44%.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung nhập khẩu làm giá thức ăn chăn nuôi trong nước luôn ở mức cao. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay sụt giảm mạnh do nhà hàng, khu công nghiệp giảm tiêu thụ..,  khiến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có lãi, thậm chí thua lỗ.

Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp ở Việt Nam đã tăng trưởng ngoạn mục, đạt bình quân 13-15%/năm. Tổng sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp từ 10,8 triệu tấn năm 2010 đã tăng lên gần gấp đôi vào năm 2020, đạt 20,3 triệu tấn. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 10 thế giới và số một khu vực Đông Nam Á về sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Việt Nam đã tăng nhập khẩu ngô làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việt Nam là nhà nhập khẩu ngô lớn nhất ở Đông Nam Á và dự báo là nhà nhập khẩu ngô lớn thứ 5 toàn cầu vào các năm 2021, 2022.

Báo cáo Thương mại Nông nghiệp Quốc tế của USDA cũng khẳng định, ngoài chăn nuôi heo và gia cầm tăng trưởng mạnh, nuôi trồng thủy sản và động vật có vỏ hoặc các loài khác đang được mở rộng tại Việt Nam. Cùng với ngô, các mặt hàng xuất khẩu phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản của Mỹ như bột ngũ cốc sấy khô, phụ phẩm lên men (DDGS) đã tăng trưởng mạnh trong thập kỷ qua. Việt Nam hiện là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu mặt hàng này của Mỹ.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu phục vụ ngành chăn nuôi trong nước đạt gần 4,5 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ, dự kiến cả năm đạt 4,87 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2020.

Dự báo, nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tiếp tục tăng cao, với mức gấp ba lần trong vòng 10 năm tới.

Quy mô thị trường 12-13 tỷ USD

Tại Việt Nam, chi phí thức ăn chiếm 70-75% giá thành chăn nuôi, trong khi nguồn cung thức ăn chăn nuôi phụ thuộc phần lớn vào nhập khẩu, lên đến 70-80% với các mặt hàng ngô, lúa mỳ, đậu tương. Nguồn cung trong nước có thể cung ứng một số loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhưng sản lượng còn nhỏ và phân tán, khiến các doanh nghiệp không mặn mà thu gom.

Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, toàn ngành có 265 doanh nghiệp, nhưng nhóm doanh nghiệp chiếm 60% sản lượng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI (89 doanh nghiệp). Với quy mô sản xuất công nghiệp lớn, các doanh nghiệp FDI không chỉ vượt trội về thị phần, mà hầu hết đều có chiến lược kinh doanh bài bản, với chuỗi sản xuất kinh doanh khép kín và nguồn lực tài chính mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam thừa nhận, các công ty chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp không mặn mà với nguyên liệu thu gom quá nhỏ. Nhu cầu của doanh nghiệp sản xuất thường rất lớn, họ nhập về hàng ngàn tấn trên một tàu, với chất lượng đồng nhất, tạo thuận lợi cho bảo quản và chế biến công nghiệp.

Việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu trên thế giới giảm, nguồn cung trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng, dẫn đến chi phí nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi tăng 20-30%. Ngoài ra, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính tại một số quốc gia sụt giảm, làm giá thành thức ăn chăn nuôi tăng theo.

Để kìm mức tăng giá thức ăn chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã đồng ý giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi từ ngày 30/12/2021, trong đó lúa mỳ giảm từ 3% xuống 0%, ngô sẽ giảm từ 5% xuống 2%.

Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tính toán, nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đạt 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD, với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm. Trong đó, quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) dành cho ngành gia cầm.

Dự báo, giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong năm 2022, khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và chi phí logistics chưa thể hạ nhiệt. Theo đó, đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục gây ra nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, giá sản phẩm chăn nuôi bán ra ở mức thấp, có khả năng hạn chế tăng trưởng sản xuất, mở rộng tái đàn.

Ngành chăn nuôi chi hơn 2,9 tỷ USD nhập khẩu thức ăn gia súc
Sản xuất trong nước còn yếu, ngành chăn nuôi quá phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, 7 tháng 2021 chi nhập khẩu đã lên tới 2,93 tỷ USD, tăng 37,1% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư