Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tăng đầu tư cho sản xuất xanh
Hoài Sương - 14/12/2023 12:02
 
Nhiều doanh nghiệp đã và đang mạnh tay đầu tư cho sản xuất xanh, hướng tới phát triển bền vững, qua đó tăng cơ hội tiếp cận khách hàng tại các thị trường khó tính.

Liên tục đầu tư

Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket đã đầu tư cho sản xuất xanh từ nhiều năm trước nhằm cải thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng. Doanh nghiệp đã triển khai các giải pháp đầu tư ứng dụng đổi mới công nghệ và trang thiết bị trong tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường, như lắp đặt đồng hồ kiểm soát điện năng/lượng nước tiêu thụ, biến tần, bảo ôn, bẫy hơi thế hệ mới streamgard, đầu tư lò hơi tầng sôi công nghệ mới biomax…

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket cho biết, bên cạnh sản phẩm gói mì giấy với hình ảnh hai tôm quen thuộc và thân thiện môi trường, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư đa dạng hóa với các sản phẩm từ gạo. 

“Miliket là một trong những đơn vị đầu tiên ứng dụng công nghệ plasma vào quy trình sản xuất, giúp nâng chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, như giảm mùi chua trong sợi phở, hủ tiếu; tăng độ khử khuẩn trong sản phẩm rau, củ, quả sấy… Chúng tôi cũng có kế hoạch liên kết với vùng nguyên liệu để trồng lúa plasma - gạo plasma, sản xuất, chế biến sản phẩm sau gạo nhằm tạo thành chuỗi giá trị đảm bảo tiêu chí giảm phát thải. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đưa công nghệ plasma vào xử lý nước thải trong năm 2024 để đạt được các tiêu chuẩn về nước cao nhất”, ông Tuấn nói.

Nhờ ứng dụng công nghệ, ước tính với mỗi héc-ta lúa, Miliket giảm 5 - 10 tấn khí thải carbon ra môi trường mỗi năm. Từ đây, các sản phẩm của doanh nghiệp khi xuất khẩu có thể đáp ứng chỉ tiêu về giảm phát thải carbon, giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng hơn và nhiều thị trường khó tính hơn như Mỹ, EU…

Tương tự, Công ty cổ phần GC Food cũng đã ý thức về sản xuất xanh và chuyển đổi dần trong hoạt động sản xuất từ 5 năm trước. Doanh nghiệp phát triển một hệ kinh tế tuần hoàn khép kín từ việc chăn nuôi bò để tạo ra phân xanh và phối trộn với vỏ lá nha đam, ủ thành phân hữu cơ và bón ngược lại cho đồng ruộng.

Đối với nhà máy sản xuất, GC Food đưa ra giải pháp tiết kiệm năng lượng mặt trời, ứng dụng đèn năng lượng trong toàn bộ hệ thống nhà máy; nâng cấp kỹ thuật, công nghệ của máy móc, thiết bị để tăng công suất, nhưng giảm mức tiêu thụ điện để bảo vệ môi trường...

Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food chia sẻ: “Trong năm 2024, doanh nghiệp dự kiến nâng quy mô công suất 2 nhà máy tại Ninh Thuận và Đồng Nai với nguồn vốn bỏ ra là 2 triệu USD/nhà máy. Nếu đầu tư theo công nghệ bình thường, các hệ thống lò hơi, nấu, làm lạnh... buộc phải tăng gấp đôi. Nhưng khi sử dụng công nghệ mới, các loại máy móc, thiết bị không tăng, mà vẫn giúp doanh nghiệp tăng sản lượng gấp đôi và giảm một nửa khí thải nhà kính ra môi trường”.

Cần có tiêu chí cụ thể

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững. Xu hướng này đang hình thành các tiêu chuẩn mới về môi trường do các thị trường nhập khẩu, nhà nhập khẩu quy định và nếu muốn tồn tại, các doanh nghiệp buộc phải đón đầu xu hướng.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, trước tiên, cần xác định rõ thế nào là tăng trưởng xanh, sản xuất xanh để có tiêu chí, chính sách thúc đẩy tăng trưởng.

“Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 có rất ít tiêu chí về tăng trưởng xanh. Như vậy, ngay về mặt tư duy, định hướng chính sách chung, chúng ta vẫn xem tăng trưởng xanh là dòng chính sách bổ sung, chứ chưa phải dòng chính sách chính. Vì nhận thức chưa rõ, nên chưa có chung thống nhất, từ đó hành động chưa rõ ràng, nhất quán. Đây là vấn đề cần phải tháo gỡ từ chính sách của Trung ương”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Từ thực tiễn hoạt động của GC Food, ông Nguyễn Văn Thứ cho biết, doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí rất lớn cho chuyển đổi xanh, bao gồm việc thu mua nông sản giá cao hơn đối với nông hộ phát triển hữu cơ, nâng cấp công nghệ để giảm sử dụng nhiệt năng, sử dụng chất đốt biomax... Một phần chi phí này phải đưa vào giá thành sản xuất, sẽ tác động đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Trong khi đó, tiêu chí về sản xuất xanh lại chưa rõ ràng, nên GC Food nói riêng và các doanh nghiệp nói chung không nắm rõ những yêu cầu cụ thể để được đánh giá là một doanh nghiệp chuyển đổi xanh và được cấp giấy chứng nhận...

Một khó khăn khác đối với sản xuất xanh được ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra chính là “sự e ngại” của các doanh nghiệp, bởi quá trình chuyển đổi xanh tốn kém chi phí, thời gian và công sức.

Do đó, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ ban đầu để chuyển đổi xanh, như hỗ trợ tín dụng, ưu đãi lãi suất, có cơ chế công nhận và vinh danh doanh nghiệp sản xuất xanh cấp tỉnh, cấp quốc gia... để thúc đẩy phong trào sản xuất xanh.

Chuyển đổi sản xuất xanh ngày càng cấp thiết
Ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang đứng trước sức ép chuyển đổi sản xuất xanh hơn, ít phát thải hơn để đáp ứng quy định của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư