Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Chuyển đổi sản xuất xanh ngày càng cấp thiết
Thế Hải - 06/08/2023 10:56
 
Ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang đứng trước sức ép chuyển đổi sản xuất xanh hơn, ít phát thải hơn để đáp ứng quy định của thị trường Liên minh châu Âu (EU) và tới đây là nhiều thị trường khác về sản phẩm xanh.

Chỉ vài tháng nữa, sản phẩm của 6 ngành công nghiệp gồm: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện, hydro xuất khẩu sang EU sẽ phải báo cáo lượng khí thải, nếu vượt mức cho phép thì phải chịu thuế carbon.

Cụ thể, Cơ chế Điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) do EU ban hành bắt đầu có hiệu lực vào tháng 10/2023. Theo đó, EU sẽ đánh thuế carbon bổ sung lên các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu từ các quốc gia, nếu quá trình sản xuất ra hàng hóa đó gây phát thải nhà kính lớn.

Cơ chế này là một “hồi chuông báo thức” cho các doanh nghiệp sản xuất, yêu cầu phải có lộ trình cụ thể để cắt giảm lượng khí thải carbon trong thời gian sớm nhất.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 371,5 tỷ USD, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm khoảng 86%. Xét riêng từng ngành, xuất khẩu sắt thép đạt gần 10 tỷ USD; xi măng đạt 1,8 tỷ USD; phân bón, hóa chất đạt gần 1 tỷ USD… Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, lại phụ thuộc vào xuất khẩu, nên việc chuyển đổi sản xuất công nghiệp xanh không thể trì hoãn lâu hơn nữa.

Ông Huỳnh Thanh Trung, chuyên gia về khí nhà kính, đồng sáng lập, Giám đốc Công ty cổ phần Leanwares khẳng định, chuyển đổi xanh, nhà máy xanh ngày càng cấp thiết. Doanh nghiệp Việt cần nhanh chân hơn, bởi các quốc gia nhập khẩu hàng hóa ngày càng yêu cầu cao hơn về sản phẩm nhập khẩu.

Thuế đánh lên hàng hóa mà quá trình sản xuất gây ra nhiều khí thải nhà kính đã rất gần với doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng không chỉ gói gọn trong 6 ngành như đã nêu, mà sẽ tiếp tục mở rộng. Nhiều nhà mua hàng lớn trong ngành dệt may, giày dép tại Mỹ, EU... cũng đưa ra các yêu cầu cao hơn về sản phẩm xanh.

Đơn cử, Adidas (Đức) đã công bố chiến lược giảm phát thải, mục tiêu đến năm 2030 giảm 30% khí CO2 thông qua chuỗi cung ứng của Hãng. Đây là hành trình đầy thách thức, đồng nghĩa, các doanh nghiệp Việt là nhà cung ứng, gia công cho Adidas phải đồng hành để Hãng đạt được mục tiêu này.

Hiện Khu công nghiệp (KCN) VSIP nằm trong Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng) có lộ trình chuyển đổi sớm để xây dựng KCN xanh.

Ông Phạm Tuấn Hoàng, Thư ký Ban giám đốc Công ty TNHH VSIP Hải Phòng cho hay, để góp phần giảm phát thải trong lĩnh vực công nghiệp, Công ty đã quyết định đầu tư chuyển đổi, tiến tới sử dụng 100% năng lượng tái tạo trên toàn KCN để thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất.

Các chuyên gia cho rằng, khi chưa thể thực hiện cắt giảm phát thải một cách bài bản, có hệ thống, doanh nghiệp hãy bắt đầu bằng việc sử dụng năng lượng tiết kiệm trong nhà máy sản xuất, chuyển sang năng lượng tái tạo, giảm sử dụng nước, thay đổi thiết bị làm mát, thiết bị vận hành phù hợp với quy mô sản xuất...

Sản xuất xanh là xu thế tất yếu của thế giới. Không chỉ EU, mà các thị trường khác cũng sẽ áp dụng những chính sách khắt khe về bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe với sản phẩm nhập khẩu.

Áp lực sản xuất xanh khi xuất khẩu sang châu Âu
Chính sách áp thuế bảo vệ môi trường của Liên minh châu Âu (EU) đối với các nhà sản xuất không thực hiện cắt giảm phát thải carbon đặt doanh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư