Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tăng kỷ cương trường học, ngăn bạo lực học đường
D.Ngân - 08/12/2023 17:46
 
Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có văn bản gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo, người lao động trong các trường học.

Nội dung văn bản của Công đoàn Giáo dục Việt Nam nêu rõ, vừa qua, mạng xã hội và một số trang truyền thông đưa tin về vụ việc học sinh có hành vi vô lễ với giáo viên xảy ra tại Trường Trung học cơ sở Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang ngày 29/11/2023.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam vừa có văn bản gửi Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố về việc tăng cường các biện pháp bảo vệ nhà giáo, người lao động trong các trường học.

Ngay sau khi nắm được thông tin, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo Công đoàn Giáo dục tỉnh Tuyên Quang phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Sơn Dương kiên quyết xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong các cơ sở giáo dục.

Theo Công đoàn Giáo dục Việt Nam, sự việc này liên quan đến nhà giáo, người lao động trong ngành Giáo dục.

Vì vậy, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố đề xuất, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị, trường học tăng cường các biện pháp giáo dục học sinh, thực hiện kỷ cương trường học, kỷ luật học đường; thực hiện nghiêm phương châm "Thầy ra thầy - Trò ra trò" trong các nhà trường.

Cùng đó, Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Công đoàn các trường học rà soát thông tin, nắm bắt các vấn đề nảy sinh, kịp thời can thiệp, giải tỏa, chấn chỉnh để không xảy ra các hiện tượng vi phạm quy định đạo đức nhà giáo, các hiện tượng học sinh vi phạm kỷ luật, đặc biệt là các vấn đề về công tác quản lý, quản trị trường học.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cũng đề nghị Công đoàn Giáo dục các tỉnh, thành phố chỉ đạo, phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện chỉ đạo Công đoàn các trường học trên địa bàn có biện pháp bảo vệ danh dự, nhân phẩm, tính mạng của nhà giáo, người lao động.

Tiếp tục triển khai một cách hiệu quả việc nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; trong đó tập trung vào việc hỗ trợ giáo viên có năng lực nghề nghiệp vững vàng; có kỹ năng xử lý, giải quyết các tình huống sư phạm; có trách nhiệm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín, danh dự của nhà trường, của ngành Giáo dục.

Liên quan đến sự việc cô giáo bị học sinh nhốt, ném dép kèm nhiều lời lẽ xúc phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi UBND tỉnh Tuyên Quang đề nghị xử lý hành vi vi phạm đạo đức, lối sống, xúc phạm nhà giáo trong cơ sở giáo dục.

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nhóm học sinh có hành vi ném dép, giấy, rác vào nữ giáo viên, đóng các cửa lớp không cho cô ra ngoài kèm nhiều lời chửi bới, trêu ghẹo, xúc phạm giáo viên. Sự việc trên xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Từ vụ nêu trên, một số chuyên gia cho rằng, đó là chỉ dấu của một thực tế rằng bạo lực học đường đã không còn giới hạn. Hiện tại, việc kết tội, đổ lỗi không phải giải pháp tối ưu thay vào đó cần tìm nguyên nhân gốc rễ và đưa ra giải pháp cho câu chuyện giáo viên bị bạo lực học đường.

PGS-TS.Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các Khoa học Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cho rằng, cốt lõi cho giải pháp hiện nay là giảm áp lực cho cả giáo viên và học sinh.

Và việc này phải được vận hành có hiệu quả nếu không sớm chấn chỉnh, sẽ còn nhiều thầy cô không muốn trụ lại với nghề. Họ sẽ tìm nghề khác nhẹ nhàng và ít nguy hiểm hơn.

Đại diện trường Đại học Giáo dục cũng cho rằng, giáo dục hiện đang quá nóng trong việc cấp bách đổi mới nhưng cùng với đó, cũng nên chú trọng hơn đến việc giáo dục nhân cách, đạo đức của học trò.

Mặc dù nhiều văn bản đã được ban hành, nhiều chương trình đã được phát động nhưng theo TS.Trần Thành Nam, chúng ta hãy làm sao để các văn bản được đi vào cuộc sống như câu ông cha ta từng nói "Tiên học lễ, Hậu học văn".

Cụ thể, cần thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử, thầy cô phải trở thành tấm gương cho học sinh noi theo; giáo viên và học sinh cũng cần kiểm soát cảm xúc để tránh những clip tương tự như vụ việc trên lan truyền trên mạng xã hội. Ngoài ra, cần phát triển phòng tư vấn học đường, sức khoẻ tâm thần để giúp học sinh giảm tải áp lực hiện nay.

Đồng tình với ý kiến này, một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm đưa ra bộ công cụ quản lý, kiểm soát, ngăn chặn, thậm chí khởi tố đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, phát tán các clip bạo lực, xấu, độc lên mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cần thay đổi mục tiêu giáo dục, nhiều ý kiến từ dư luận đều cho rằng chương trình giáo dục của chúng ta ngày nay quá nặng về kiến thức, trong khi đó dạy kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử đang bị xem nhẹ.

Việc giáo dục các con lòng vị tha, bác ái, trân trọng giá trị phẩm hạnh con người, trong đó có sự trân trọng mạng sống, sức khoẻ, tinh thần và danh dự người khác, là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, và nó có ý nghĩa quan trọng chứ không chỉ là giáo dục tri thức.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS.Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trách nhiệm lớn nhất thuộc về người đứng dầu, khi giáo viên không được hỗ trợ của nhà trường, các tổ chức và phải chọn cách im lặng khiến cho sự việc càng trở nên nghiêm trọng.

Qua vụ việc, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học đưa ra lời khuyên cho các thầy cô khi có bất kỳ vụ việc phát sinh, cần nhanh chóng báo tin, thông tin sự việc cho các cơ quan có thẩm quyền không nên chọn cách im lặng vì như vậy không có tác dụng không cao đối với học sinh, thậm chí sẽ lan tỏa hành vi và khiến học sinh không hiểu phải chịu trách nhiệm như thế nào trước những hành vi của mình.

TS.Thái Văn Tài phân tích thêm, theo quy định luôn có khoảng 2 tuần đầu tiên của năm học để học sinh, nhà trường học nội quy, luật lệ, tìm hiểu đối tượng nhưng hiện nay hoạt động này lại không được chú trọng khiến cho quy định đã có nhưng học sinh, nhà trường vẫn vi phạm những điều không được làm.

Ngăn chặn bạo lực học đường
Liên tiếp các vụ việc bạo lực học đường xảy ra khiến dư luận bất an.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư