Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tăng sức hút cho M&A
Nguyên Đức - 23/07/2019 08:15
 
Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới, các sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư sẽ tạo thêm “cú hích” cho thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) Việt Nam.
Tập đoàn SK (Hàn Quốc) vẫn đang tiếp tục kế hoạch “gửi chân” vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Tập đoàn SK (Hàn Quốc) vẫn đang tiếp tục kế hoạch “gửi chân” vào thị trường Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Nhộn nhịp nhà đầu tư “nhòm ngó”

Sau khi dốc khoảng 470 triệu USD để sở hữu 9,45% cổ phần tại Masan, 1 tỷ USD mua cổ phần của Vingroup, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) vẫn tiếp tục kế hoạch “gửi chân” vào thị trường Việt Nam.

Thông tin mới đây cho biết, dù đang là cổ đông lớn nhất của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), SK vẫn rất quan tâm đến việc Nhà nước sẽ thoái vốn tại doanh nghiệp này. SK thậm chí đã hoàn tất các thủ tục thẩm định đầu tư, chỉ chờ cơ hội để nâng tỷ lệ sở hữu tại PVOIL.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:
- Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
- Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
- Diễn đàn có các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; Tiệc tối kết nối đầu tư; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt – Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Không chỉ với riêng PVOIL, ông Chey Tae Won, Chủ tịch SK đã nhiều lần khẳng định mối quan tâm của Tập đoàn đến việc cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. SK còn mong muốn nghiên cứu, lựa chọn tham gia tái cấu trúc đưa một công ty trở thành công ty mẹ, từ đó tạo ra các chuỗi công ty tại Việt Nam.

Tương tự, thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến việc mua cổ phần trong các doanh nghiệp ở Việt Nam. Sumitomo (Nhật Bản) chẳng hạn, cũng đã cùng với công ty hậu cần Suzuyo và một quỹ đầu tư của Nhật Bản chi khoảng 4 tỷ yên (tương đương 37 triệu USD) để mua 10% cổ phần của Công ty cổ phần Gemadept.

Trong khi đó, Mitsui (Nhật Bản) mua lại 35,1% cổ phần của Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú. Còn Taisho Pharmaceutical Co,.Ltd đã mua thêm được 20,6 triệu cổ phiếu của Dược Hậu Giang, qua đó nâng lượng cổ phiếu nắm giữ lên gần 66,4 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ sở hữu 50,78% tại một trong những công ty dược lớn nhất Việt Nam.

Không quá khó hiểu khi ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài chọn cách đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần. Đó là cách nhanh nhất để họ thực hiện tham vọng tại thị trường Việt Nam, vốn luôn được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng để phát triển. GS-TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã nhiều lần khẳng định với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm nay, đã có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ 2018. Kể cả không tính lượt góp vốn 3,85 tỷ USD của nhà đầu tư Hồng Kông (Beerco Limited góp vốn vào Công ty TNHH Vietnam Beverage), thì tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần vẫn tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không chỉ nửa đầu năm nay, mà những năm gần đây, các số liệu thống kê đều cho thấy, xu hướng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần ngày càng nhiều. Năm ngoái, có tới 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Thêm “cú hích” cho M&A

Số lượng nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thương vụ M&A, thực hiện các vụ góp vốn, mua cổ phần tại Việt Nam ngày càng nhiều. Xu hướng này, theo ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), sẽ ngày càng tăng thêm trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn đang diễn biến tích cực, thị trường ngày càng rộng mở khi nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết.

Đặc biệt, khi thương mại Mỹ - Trung vẫn đang căng thẳng, thì thực hiện các hình thức góp vốn, mua cổ phần sẽ là cách nhanh nhất để “né” những “đòn” trừng phạt về thuế.

Thực tế, việc nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần đã xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ thực sự nổi lên mạnh mẽ sau khi Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực. Lý do là hành lang pháp lý đối với việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đơn giản và minh bạch.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài không cần xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp Việt Nam, mà chỉ cần làm các thủ tục đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước. Thủ tục đơn giản, thuận tiện khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, coi đây là giải pháp đầu tư đơn giản nhưng hiệu quả.

Tới đây, khi Luật Đầu tư được sửa đổi, quy định pháp luật thậm chí còn đơn giản, thông thoáng hơn nữa, tạo thêm “cú hích” cho hoạt động góp vốn, mua cổ phần, M&A phát triển. Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cũng sẽ bãi bỏ thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong trường hợp việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp không làm tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp.

Một cú hích quan trọng khác, đó là trong định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam đã xác định, sẽ “mở rộng phương thức M&A”.

Tại Diễn đàn M&A lần thứ 10 năm 2018, do Báo Đầu tư tổ chức, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trên thế giới, M&A là hoạt động bình thường và diễn ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; nhưng với nền kinh tế Việt Nam, đây là hoạt động “vô cùng quan trọng”, mở ra cơ hội thu hút vốn FDI, FII, tạo điều kiện cho hoạt động doanh nghiệp và góp phần vào quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.

Năm 2017, có 5.002 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 6,19 tỷ USD, tăng 45,1% so với năm 2016.

Năm 2018, có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng giá trị vốn góp 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với năm 2017.

6 tháng đầu năm nay, đã có 4.020 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp ở Việt Nam, với tổng giá trị vốn góp là 8,12 tỷ USD, tăng 98,1% so với cùng kỳ năm 2018.

Quản lý thuế đối với hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) như thế nào
Việc quản lý thuế đối với hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) là vấn đề được dư luận quan tâm. Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Quản lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư