Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tăng thuế tài nguyên: Tại sao doanh nghiệp phản đối?
Dự thảo Nghị quyết về biểu thuế suất thuế tài nguyên thay thế Nghị quyết 712/2013/UBTVQH13 sẽ được đưa ra “mổ xẻ” tại kỳ họp tháng 10 tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trước khi bản dự thảo được hoàn thiện chính thức, tranh luận xung quanh việc tăng thuế tài nguyên dường như chưa giảm nhiệt.
Tình trạng khai thác trái phép các loại khoáng sản kim loại quý vẫn phổ biến
Tình trạng khai thác trái phép các loại khoáng sản kim loại quý vẫn phổ biến

Quan điểm của Bộ Tài chính khi đưa ra đề xuất tăng thuế là nhằm giải quyết hai câu chuyện: để tăng thu ngân sách, đồng thời tăng cường quản lý việc khai thác tài nguyên. Ngân sách dự kiến thu thêm được từ việc tăng thuế là gần 3.000 tỷ đồng.

Một thành viên Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội nói rằng, việc tăng thuế là cần thiết vì các loại khoáng sản đều có trữ lượng hữu hạn, nếu thuế suất thấp, sẽ khiến doanh nghiệp không có động lực thay đổi công nghệ, khai thác thủ công, gây lãng phí.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, lâu nay nền kinh tế của nước ta phụ thuộc rất nhiều vào khai thác và xuất khẩu tài nguyên thô, giá trị đem về cho đất nước là rất thấp. Trong khi đó, ở nhiều nền kinh tế khác, họ không khuyến khích xuất khẩu khoáng sản, thậm chí còn để giành lại cho con cháu đời sau và chọn giải pháp nhập khẩu khoáng sản với giá rẻ đem về chế biến. “Có các chính sách nhằm buộc doanh nghiệp chế biến sâu là cần thiết”, ông Cung nói.

Trong khi đó, do các mức thuế theo đề xuất mới nhất tăng khá cao, nên giới doanh nghiệp ra sức phản đối dự thảo này. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó chủ tịch Công ty Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo, cho rằng, thuế tài nguyên được tính vào chi phí khai thác của doanh nghiệp. Việc tăng thuế tài nguyên sẽ làm tăng chi phí khai thác, từ đó làm tăng hàm lượng công nghiệp tối thiểu, làm giảm trữ lượng của một mỏ khoáng sản.

Đối với các mỏ khoáng sản chưa đi vào khai thác, việc giảm trữ lượng này không có tác động vì khi cần thiết, Nhà nước chỉ cần giảm thuế về như cũ, trữ lượng khoáng sản sẽ được phục hồi. Tuy nhiên, đối với các mỏ khoáng sản đã đi vào khai thác thì phần tài nguyên này sẽ mất đi và không lấy lại được, do việc mở lại một mỏ khoáng sản đã đóng cửa đòi hỏi các chi phí về xây dựng công trình mỏ và hoàn nguyên bề mặt rất lớn, trong khi phần khoáng sản nghèo còn lại không đủ để trang trải chi phí này.

Việc tăng thuế suất thuế tài nguyên, theo ông Thắng, khiến các doanh nghiệp đã đi vào khai thác chỉ tập trung khai thác ở phần quặng giàu với chi phí khai thác thấp, mà bỏ lại quặng nghèo, làm giảm trữ lượng khoáng sản của một mỏ, từ đó làm giảm tổng số thuế mà Nhà nước thu được. Về lâu dài, do các mỏ phải đóng cửa sớm hơn dự định, nên tổng số thuế Nhà nước thu được sẽ sụt giảm.

Thay vì tăng thuế, giới doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước có giải pháp hữu hiệu nhằm chống khai thác khoáng sản trái phép để có thêm nguồn thu cho Nhà nước. Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 cho thấy, qua hơn 300 cuộc thanh tra, kiểm tra các địa phương đã xử phạt hàng trăm tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 20 tỷ đồng.
Số lượng các tỉnh vẫn còn khai thác khoáng sản trái phép theo báo cáo là 39 tỉnh, tập trung vào các loại khoáng sản kim loại quý, hiếm như vàng, đá quý, mangan, antimon… hoặc cát, sỏi, nước khoáng…

Trên thực tế, câu chuyện tăng thuế tài nguyên đã được đưa ra từ năm 2013 và dự kiến sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua để thực thi từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, do vấp phải rất nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều về vấn đề này, trong đó có cả những ý kiến đóng góp từ các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, bởi vậy đề xuất tăng thuế đã bị gác lại.

Lần này, theo nhận xét của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), câu chuyện về thuế tài nguyên vẫn chưa giảm sức nóng. Tuy nhiên, cũng giống như tranh cãi xung quanh việc tăng lương tối thiểu, một giải pháp dung hòa có lẽ sẽ được đưa ra.

Đáng chú ý, trong các văn bản “giải trình” bảo vệ đề xuất của mình, Bộ Tài chính cũng thể hiện quan điểm rất cứng rắn và quyết liệt về việc cần sớm thực thi việc tăng thuế này. Nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới, biểu thuế mới sẽ được thực thi từ 1/1/2016.

Cẩn trọng với thuế tài nguyên
Mặc dù thuế suất trong đề xuất mới đã giảm đáng kể so với đề xuất trước, song dự kiến tăng thuế tài nguyên này vẫn đối mặt với những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư