Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tăng trưởng GDP đã về mức trước đại dịch?
Mạnh Bôn - 30/09/2022 08:24
 
Quý III/2022, GDP đạt tốc độ tăng trưởng (theo quý) cao nhất từ trước đến nay, tăng 13,67%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nếu loại bỏ tác động tiêu cực bởi dịch bệnh trong 2 năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng đầu năm nay vẫn chưa về mức trước đại dịch Covid-19.

Ông Lê Trung Hiếu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Trái ngược đà giảm tốc của kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tăng tới 13,67%. Kết quả này có bất ngờ không, thưa ông?

Theo dõi hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, thương mại, du lịch, dịch vụ… trong 3 tháng qua, chúng tôi không quá bất ngờ. Các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… cũng không bất ngờ về kết quả đạt được, thậm chí nhiều định chế từng dự báo, GDP quý III/2022 của Việt Nam tăng 13 - 14%.

Như vậy, kết quả đạt được đúng như dự báo, mặc dù trước khi có số liệu chính thức, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, dự báo này quá lạc quan.

Theo ông, căn cứ vào đâu mà các định chế tài chính quốc tế đánh giá rất cao triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2022?

Thứ nhất, môi trường kinh tế, chính trị của nước ta ổn định. Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và triển khai kịp thời, đồng bộ các chính sách hỗ trợ sản xuất, an sinh xã hội; mở cửa kịp thời, Việt Nam đã tạo được môi trường kinh tế, chính trị an toàn, thuận lợi cho các hoạt động kinh tế; tạo được niềm tin cho cộng đồng quốc tế.

Thứ hai, là hiệu quả trong điều hành chính sách. Việt Nam đã sử dụng kết hợp linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá xăng dầu, ổn định thị trường.

Thứ ba, nhu cầu nội địa đang phục hồi và tiếp tục tăng cao khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch tăng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 tăng 15,8% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 54,7%, doanh thu du lịch lữ hành tăng 295%. Du lịch quốc tế cũng đang dần khởi sắc...

GDP quý III tăng rất ấn tượng, nhưng đó là so với cùng kỳ năm trước - thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, GDP quý III/2021 tăng trưởng âm 6,17%. Ông có thể phân tích rõ hơn về những con số này?

Kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 ước tăng 8,83%, trong đó, quý I tăng 5,05%; quý II tăng 7,83% và quý III tăng 13,67%. Có thể nói, đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng sau thời gian kinh tế chịu ảnh hưởng của Covid-19 trong hai năm qua.

Tuy nhiên, nếu không xảy ra đại dịch và kinh tế năm 2020 và 2021 vẫn phát triển trong điều kiện bình thường; giả định tăng trưởng kinh tế quý III, 9 tháng/2020 và quý III, 9 tháng/2021 lần lượt là 7,5%/quý và 7%/9 tháng (đây là mức tăng bình quân quý III và 9 tháng của giai đoạn 2017 - 2019), với kết quả hoạt động kinh tế của quý III và 9 tháng năm 2022 như trên, tốc độ tăng GDP quý III/2022 chỉ đạt 95,7%, giảm 4,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ và 9 tháng chỉ đạt 98,6%, giảm 1,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ.

Điều này cho thấy, mặc dù kinh tế quý III và 9 tháng năm 2022 đã có sự phục hồi rất ấn tượng, nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng trưởng như trong thời gian trước đại dịch Covid-19.

Theo dự báo của ông, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 sẽ ở mức nào?

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ đạt 2,56%. Kết quả này thấp nhất trong vòng 10 năm qua, nhưng là sự nỗ lực rất lớn của Việt Nam trước biến cố lớn từ Covid-19 mà cả thế giới cũng như đất nước ta phải hứng chịu.

Bước sang năm 2022, hoạt động kinh tế của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới đầy biến động: xung đột Nga - Ukraine từ đầu năm 2022 làm giá xăng dầu quốc tế biến động phức tạp, gián đoạn nguồn cung lương thực, khí đốt…; các chi phí khác cũng tăng cao do hệ lụy của cuộc xung đột; lạm phát tăng cao ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Đức, Canada, Tây Ban Nha…; Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách zero-Covid khiến nguồn cung hàng hóa bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới, thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam bị chia cắt khiến hoạt động giao thương trở nên khó khăn, thiếu hụt nghiêm trọng.

Ở trong nước, thách thức và cơ hội vẫn đan xen tác động đến nền kinh tế. Covid-19 vẫn chưa chấm dứt, nhưng hầu như ít tác động lớn đến các ngành, lĩnh vực và gây gián đoạn hoạt động như trước. Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đã xác định sống chung với dịch, chống chọi với các vấn đề giá cả leo thang, khôi phục sản xuất, tiết kiệm chi phí, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chính phủ đã ban hành các chính sách nhằm khôi phục nền kinh tế, đối phó với diễn biến lạm phát tăng cao cũng như áp lực tăng giá. Kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng của năm 2022 là một minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong 9 tháng qua và những triển vọng tích cực cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2022.

Nhiều tổ chức dự báo, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao trong cả năm 2022. Cụ thể, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt khoảng 7,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023. IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022. ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% năm 2022… Như vậy, nhìn chung, các tổ chức quốc tế đều nhìn nhận tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022.

Dựa vào kết quả hoạt động kinh tế 9 tháng năm 2022, ước tính tăng trưởng sản xuất của các ngành, lĩnh vực và đánh giá hiệu quả từ các chính sách kinh tế của Việt Nam, Tổng cục Thống kê đã cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2022. Dự báo, tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7,5 - 8%.

Tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc không đạt kỳ vọng
Thay vì 1% như dự báo, tăng trưởng của Trung Quốc trong quý II/2022 chỉ đạt 0,4% do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải vật lộn trước tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư