Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tăng trưởng GDP năm 2018 chắc chắn vượt 6,7%
Mạnh Bôn - 01/10/2018 08:08
 
Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) cho biết, GDP quý IV chỉ cần tăng 6,14% thì sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%. “Hoạt động sản xuất - kinh doanh có rất nhiều nhân tố tích cực, nên tăng trưởng GDP sẽ trên 6,14%, do đó, tăng trưởng kinh tế cả năm chắc chắn vượt 6,7%”, ông Hùng nhận định.
TIN LIÊN QUAN

Chính phủ và ADB vừa dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay đạt 6,8 - 6,9%. Theo ông, dựa vào những yếu tố nào để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng này?

Kinh tế 9 tháng đầu năm 2018 duy trì được đà tăng trưởng tích cực từ quý II/2017, các cân đối lớn của nền kinh tế ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm đạt 6,98% - mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. 

.
.

Đáng lưu ý là, sau khi GDP quý I tăng rất ấn tượng, với tốc độ tăng 7,45% - mức tăng cao nhất của quý I trong nhiều năm trở lại đây, các chuyên gia kinh tế và Tổng cục Thống kê đều đưa ra nhận định, tốc độ tăng trưởng các quý sau vẫn tiếp tục tăng, nhưng không tăng theo quy luật của mọi năm là quý sau tăng cao hơn quý trước, mà có xu hướng quý sau tăng chậm hơn quý trước. Thực tế, trong quý II, GDP tăng 6,73% (đúng như dự báo), nhưng quý III, GDP tăng 6,88% - cao hơn quý I. Với với xu hướng này, cộng với tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh đang thuận lợi, nhiều khả năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý IV sẽ cao hơn quý III. Chính vì vậy, ADB và Chính phủ mới đưa ra dự báo là GDP năm nay tăng 6,8 - 6,9%.

Cá nhân ông dự báo thế nào?

Khả năng tăng trưởng kinh tế năm nay vượt mục tiêu 6,7% rất cao. Theo tính toán của chúng tôi, nếu cả năm đạt tốc độ tăng trưởng 6,7%, thì quý IV chỉ cần tăng 6,14%. Tuy nhiên, có nhiều nhân tố cho thấy, tốc độ tăng trưởng GDP quý IV sẽ cao hơn so với con số 6,14%. 

Thứ nhất, quy luật tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước đang có xu hướng quay trở lại. 

Thứ hai, kể từ năm 2013 trở lại đây, chưa năm GDP quý IV tăng trưởng dưới 6,5%. 

Thứ ba, các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang có chiều hướng tốt, như ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tiếp tục đà tăng trưởng cao, nông nghiệp và thủy sản có khả năng tăng cao nhất từ năm 2012 trở lại đây, nhiều lĩnh vực sẽ tăng tốc trong quý cuối năm do yếu tố mùa vụ (xây dựng, bán hàng, vận tải, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm)…

Với những thuận lợi như vậy, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay chắc chắn đạt 6,7%, khả năng tăng 6,9% cũng rất cao nếu không có yếu tố bất thường xảy ra. 

Theo đánh giá của Chính phủ, Việt Nam không chỉ duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, mà chất lượng tăng trưởng cũng ngày một cải thiện. Ông có thể đưa ra những số liệu chứng minh cho đánh giá này?

Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm qua. Theo ước tính, tăng trưởng kinh tế năm 2018 có sự đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) là 40,23%, đóng góp của yếu tố vốn khoảng 50% và đóng góp của lao động là 9,77%. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2018, đóng góp của TFP, vốn và lao động lần lượt là 42,18%, 49,55% và 8,27%. Nếu so sánh với giai đoạn 2011 - 2015, thì đóng góp của TFP đã được cải thiện đáng kể, tăng 8,6% (giai đoạn 2011 - 2015 đóng góp của TFP là 33,58%, vốn là 51,20% và lao động là 15,22%). 

Năng suất lao động năm 2018 ước đạt 102,3 triệu đồng/người, tăng 5,55% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 5,62%/năm, cao hơn so với mức tăng năng suất lao động của khu vực ASEAN và mức tăng bình quân trên thế giới. 

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, khó khăn để có thể đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Trong đó, có lẽ, thách thức lớn nhất là giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh và diễn biến khó lường?

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược của cả hoạt động sản xuất - kinh doanh lẫn tiêu dùng của người dân. Xăng dầu tăng tác động ngay lập tức đến giá thành sản phẩm, làm giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tăng và tác động tới lạm phát. Đây đúng là thách thức.

Trong thời gian vừa qua, giá xăng dầu thế giới biến động rất mạnh theo xu hướng tăng. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm, giá dầu Brent bình quân đã lên đến 72,49 USD/thùng, tăng rất nhiều so với mức 52,54 USD/thùng cùng kỳ năm 2017. Giá xăng thành phẩm ở thị trường Singapore (thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chính của Việt Nam) cũng tăng mạnh. Giá xăng RON 92 ở thị trường Singapore tăng 28,2%, dầu tăng 38,8%. Vì thế, ở thị trường trong nước từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng 8 lần và 3 lần giảm, diesel tăng 10 lần và giảm 4 lần. Tính chung, xăng dầu tăng đã tác động làm tăng CPI 0,69 điểm phần trăm. 

Giá xăng dầu tăng và việc tăng thuế bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ tác động lớn lên lạm phát, thưa ông?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa thông qua Biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng tăng từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng/lít; diesel từ 1.500 đồng lên 2.000 đồng/lít; mazut, dầu nhờn từ 900 đồng lên 2.000 đồng/lít; dầu hỏa từ 300 đồng lên 1.000 đồng/lít. 

Xăng dầu là đầu vào của rất nhiều hoạt động kinh tế, nên mặt hàng chiến lược này tăng giá với bất cứ nguyên nhân nào cũng tác động ngay tới hoạt động sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là lạm phát. 

Tuy nhiên, giá xăng dầu tăng do giá thế giới tăng và tăng thuế bảo vệ môi trường tác động tới lạm phát và tăng trưởng GDP không lớn. Theo tính toán của chúng tôi, giá xăng dầu tăng làm CPI tăng thêm 0,12 điểm phần trăm, chỉ số giá sản xuất tăng thêm 0,45 điểm phần trăm và tác động giảm GDP 0,08 điểm phần trăm. Nói chung, giá xăng dầu tăng không tác động lớn đến tăng trưởng GDP, cũng như kiểm soát lạm phát.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư