Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tăng trưởng lợi nhuận của công ty chứng khoán chững lại
Thanh Thủy - 08/07/2022 08:06
 
Trái với sự khởi sắc hồi quý II/2021, lợi nhuận khối các công ty chứng khoán khó vượt mức nền cao cùng kỳ.
Lợi nhuận của các công ty chứng khoán được đánh giá là ảm đạm trong nửa đầu năm. Ảnh: Đức Thanh

Bức tranh lợi nhuận khó sáng

Chỉ khoảng nửa tháng nữa, kết quả kinh doanh chính thức của các công ty chứng khoán sẽ dần lộ diện. Mùa báo cáo tài chính quý II được dự báo sẽ xuất hiện nhiều con số tăng trưởng không mấy tươi sáng.

Cập nhật tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông vừa tổ chức cuối tháng 6, bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán VIX cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 400 tỷ đồng. Phần lớn khoản lãi trên đến từ kết quả kinh doanh quý I (334,7 tỷ đồng), lợi nhuận quý II rất khiêm tốn. So với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận 6 tháng đầu năm nay giảm gần 25%, riêng lợi nhuận quý II giảm tới một nửa. Tuy vậy, kết quả trên cũng đã hoàn thành gần 50% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) đang bám sát kế hoạch với lợi nhuận đạt được khoảng một nửa kế hoạch đề ra. Chia sẻ với các cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, Chủ tịch HĐQT Agriseco, ông Phan Văn Tuấn cho biết, điểm sáng trong hoạt động kinh doanh quý II là mảng môi giới cùng dịch vụ chứng khoán vẫn duy trì mức tăng trưởng 50% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu mảng đầu tư tự doanh giảm gần một nửa đã tác động đến tăng trưởng lợi nhuận của Agriseco. 

Dù vậy, theo ông Tuấn, việc giữ được lãi ở mảng tự doanh vẫn được xem là thành công, có sự đóng góp lớn từ nhận định thị trường của khối phân tích và là điều ít công ty chứng khoán đạt được trong diễn biến giảm mạnh của thị trường.

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, VN-Index đã giảm 20% trong quý II - mức giảm sâu và được xem như một tín hiệu xác lập chứng khoán đã bước vào giai đoạn thị trường giá xuống. Chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng lần lượt giảm 38,2% và 24,3%.

Thống kê mức tăng giảm của từng cổ phiếu cho thấy, số lượng cổ phiếu tăng giá trong 3 tháng qua chỉ vỏn vẹn 270 mã chứng khoán, chiếm khoảng 12,5% cổ phiếu giao dịch trên 3 sàn. Trong khi đó, có 200 mã chứng khoán “bốc hơi” một nửa giá trị và tới khoảng 500 mã giảm giá 1/3 so với thời điểm cuối quý I/2022. Giá trị danh mục cổ phiếu của các nhà đầu tư bị bào mòn trong quý II, bao gồm các công ty chứng khoán giành nhiều nguồn lực cho khối tự doanh.

Ngoài lĩnh vực đầu tư, mảng môi giới của đa phần công ty chứng khoán cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi miếng bánh chung thu hẹp và áp lực cạnh tranh gia tăng. Giá trị giao dịch - con số liên quan trực tiếp đến doanh thu môi giới khối công ty chứng khoán giảm mạnh. Riêng trên sàn HoSE, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên quý II đạt hơn 17.000 tỷ đồng, giảm 22% so với mức bình quân cả năm 2021.

Số lượng tài khoản dù vẫn ở mức cao, đáng chú ý còn ghi nhận con số kỷ lục trong tháng 5. Tuy nhiên, phần lớn tài khoản mở mới lại xuất phát từ một công ty chứng khoán do thực hiện chương trình mở kèm tài khoản cho khách hàng của ngân hàng mẹ và nhiều khả năng tỷ lệ tài khoản hoạt động thực sẽ khá thấp.

Kết quả kinh doanh quý II còn được so sánh với mức nền cơ sở cao của cùng kỳ. Trong năm 2021, lợi nhuận nhóm hơn 30 công ty chứng khoán quý II chỉ thua quý IV. Xu hướng tăng giá chung của thị trường năm trước cùng làn sóng gia nhập mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân đã giúp công ty chứng khoán lãi đậm trong quý II/2021.

Cổ phiếu chứng khoán đã về đáy?

Trước khi bức tranh lợi nhuận sáng rõ, thị trường chứng khoán - hàn thử biểu của nền kinh tế đã sớm phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư. Cổ phiếu chứng khoán là một trong những dòng cổ phiếu giao dịch tệ nhất quý II. Chỉ trong vòng 3 tháng, quy mô vốn hóa thị trường của 31 công ty chứng khoán trên sàn (không kể Chứng khoán SSI vừa chốt quyền nhận cổ tức và chào bán cổ phiếu) đã giảm khoảng 40%, gấp đôi mức giảm của chỉ số chung VN-Index. Tính theo mức giá sau điều chỉnh, cổ phiếu SSI cũng giảm 48% so với thời điểm cuối quý I. Đa phần các cổ phiếu chứng khoán đều đang giao dịch ở mức giá thấp hơn 20-40% so với cách đây 1 năm.

Tuy vậy, dòng chứng khoán đang có tín hiệu nhích lên những phiên giao dịch gần đây. Cơ quan quản lý đang có nhiều động thái triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ giao dịch của thị trường.

Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán nhà nước - UBCKNN), thời gian qua, UBCKNN đã tập trung xử lý vấn đề kỹ thuật để hỗ trợ giao dịch, cải thiện thanh khoản, bao gồm việc điều chỉnh thời gian hoàn tất thanh toán đối với các chứng khoán vào trưa ngày thứ 2 theo quy chế dự kiến có hiệu lực từ tháng 8. Mô hình thanh toán mới rút ngắn thời gian xử lý ở từng khâu, giảm bớt chi phí lãi suất cho nhà đầu tư trong trường hợp sử dụng vay margin. Việc giao dịch lô lẻ đang trong quá trình tiến hành thử nghiệm tại các công ty chứng khoán thành viên, dự kiến thực hiện xong trong tháng 7 và có thể đưa vào vận hành vào tháng 8.

Ở mục tiêu xa hơn, UBCKNN cùng Bộ Tài chính đặt ra mục tiêu đưa hệ thống giao dịch mới KRX đi vào vận hành từ nay đến cuối năm. “Giải pháp này không chỉ giải quyết vấn đề về quy mô giao dịch, mà còn mở ra khả năng triển khai giải pháp giao dịch và thanh toán bù trừ mới, hỗ trợ nâng hạng thị trường chứng khoán”, bà Tạ Thanh Bình nhấn mạnh.

Đây cũng là điều mà giới đầu tư chờ đợi nhiều năm qua.

Các chuyên gia cho rằng, sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh giải pháp kỹ thuật từ cơ quan quản lý, với nhiều biến số khó lường quý tới, nhà đầu tư sẽ vẫn e dè trong các quyết định giao dịch. Cổ phiếu nhóm công ty chứng khoán sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường về cả thanh khoản và điểm số.
Công ty chứng khoán chưa hết khát vốn
Kế hoạch huy động vốn vay lẫn vốn chủ sở hữu là chủ đề được quan tâm tại các cuộc họp cổ đông công ty chứng khoán năm 2022, với hình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư