Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Tăng trưởng thương mại với EU "nổi bật" nhờ EVFTA
Thế Hoàng - 01/08/2023 14:43
 
Ngày hôm nay, 1/8/2023, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tròn 3 năm đi vào thực thi (1/8/2020-1/8/2023).
Điện thoại-linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường EU27.
Điện thoại-linh kiện là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường EU27.

EVFTA được hai bên ký kết vào ngày 30/6/20219, và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn vào ngày 8/6/2020. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. EVFTA là hiệp định thương mại tự do (FTA) thứ 4 được EU ký kết với một quốc gia châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. 

Việt Nam xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa

EVFTA là một trong số ít những hiệp định về tiêu chuẩn cao, với tỷ lệ tự do hóa thuế quan về cơ bản trên 90% trong vòng 7 năm thực hiện.

3 năm thực thi EVFTA, Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa.
Trong đó, từ 1/8 đến 31/12/2022, xuất khẩu 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019.
Năm 2021, xuất khẩu sang EU 40,12 tỷ USD, tăng 14,2%, xuất siêu 23,23 tỷ USD
Năm 2022, xuất khẩu sang EU đạt 46,8 tỷ USD, xuất siêu 31,4 tỷ USD.
Từ đầu năm 2023-31/7/2023, xuất sang EU đạt 25 tỷ USD.

Giai đoạn đầu thực thi, mặc dù bối cảnh quốc tế không hoàn toàn thuận lợi, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và các doanh nghiệp Việt Nam, song tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng trên 14%.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết : "EVFTA là FTA đầu tiên mà Việt Nam có với khu vực thị trường châu Âu, về tổng thể, tỷ lệ tận dụng hiệp định để đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng ưu đãi được doanh nghiệp nhiều ngành hàng khai thác khá tốt nếu so với một số FTA trước đó".

Một báo cáo của VCCI đưa ra trước đó cho hay, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam từng được hưởng lợi từ EVFTA là rất đáng khả quan, với trên 40% cho biết đã từng hưởng ít nhất một lợi ích nào đó từ EVFTA.

Tổng cộng từ 1/8/2020 đến hết 31/7/2023, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng hàng hóa trị giá 127,5 tỷ USD sang thị trường 27 nước thành viên EU.

Trong năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu 46,8 tỷ USD sang thị trường EU, tăng 15% so với năm 2021. Trong đó, nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ, có khoảng 12,2 tỷ USD hàng hóa được cấp C/O để hưởng ưu đãi thuế quan, chiếm tỷ lệ gần 26% tổng kim ngạch hàng hóa xuất sang EU trong năm qua.

7 tháng 2023, chịu tác động không thuận lợi từ thương mại toàn cầu chậm lại, nhưng thương mại Việt Nam - EU vẫn đạt 33,6 tỷ USD, trong đó xuất khẩu sang EU đạt 25 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ. Mức giảm này thấp hơn nhiều so với hàng hóa xuất đi Mỹ, giảm tới 21,8%. Nhập khẩu từ EU đạt 8,6 tỷ USD, giảm 5,9%.

Theo Bộ Công thương, kết quả xuất khẩu sang EU có sự hỗ trợ đáng kể từ việc thực thi EVFTA. Hiệp định thương mại tự do song phương này đã tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, giúp nhiều nhà nhập khẩu EU biết tới các nhà cung ứng Việt Nam hơn…

Nhìn vào tỷ lệ hàng hóa được cấp C/O đi EU, có thể thấy, EVFTA là một trong những FTA có tỷ lệ tận dụng ưu đãi không dễ dàng do yêu cầu về quy tắc xuất xứ chặt chẽ. Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa được hưởng ưu đãi nhờ đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa đều tăng theo từng năm.

Tỷ lệ hàng xuất khẩu được cấp C/O mẫu EUR.1 năm 2021 đạt 8,1 tỷ USD, đã tăng lên 12,1 tỷ USD vào cuối năm ngoái, tăng gấp rưỡi. Tuy nhiên, đây cũng không phải là tỷ lệ cao.

Nhìn từ số lượng C/O EUR.1 được cấp cho hàng hóa xuất khẩu cho thấy, EVFTA đã phát huy hiệu quả bước đầu của một hiệp định có thực chất và rất được kỳ vọng. 

Nhưng đi sâu vào từng ngành hàng thì mức độ tiếp cận thị trường, tăng xuất khẩu và hưởng ưu đãi vẫn còn có khoảng cách. Đơn cử, năm 2022, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU27, có 9 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, tăng thêm 1 mặt hàng so với 2021.

Bao gồm: Điện thoại, máy tính, hàng dệt may, giày dép, máy móc-thiết bị, cà phê, hàng thủy sản, sắt thép các loại, phương tiện vận tải và phụ tùng.

Nhiều doanh nghiệp cho hay, còn gặp nhiều trở ngại trong việc tuân thủ quy tắc xuất xứ trong EVFTA;

2 ngành hàng xuất khẩu lớn, kể cả dệt may, giày dép vốn xuất khẩu nhiều sang EU cũng chưa dễ đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ hàng dệt may trong EVFTA được đánh giá là chặt chẽ hơn so với nhiều Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia (như Hiệp định ATIGA hay các Hiệp định ASEAN+). Chính sự chặt chẽ về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA được xem là thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam gia tăng xuất khẩu và hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này.

Với ngành nông nghiệp, một số loại nông sản, thủy sản của Việt Nam bước đầu thâm nhập tại EU nhưng trị giá xuất khẩu chưa cao. Các ngành hàng này cũng đang gặp áp lực lớn khi EU dựng lên nhiều tiêu chuẩn và quy định mới theo hướng chặt chẽ hơn, đề cao độ an toàn, bền vững, môi trường, đề cao sản phẩm xanh…

Những yêu cầu khắt khe này buộc doanh nghiệp Việt phải cập nhật thông tin, chuyển đổi để tận dụng dư địa xuất khẩu.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng khi xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O, thậm chí còn thiếu kiến thức và năng lực chuyển đổi sản xuất nhằm đáp ứng các yêu cầu từ phía EU đề ra.

Các doanh nghiệp Việt hiện đang tập trung trao đổi thương mại với một số quốc gia trong EU. Số liệu năm 2022 cho thấy, có khoảng 10 thị trường thuộc EU có kim ngạch nhập hàng Việt từ 1 tỷ USD trở lên. Đứng đầu là Hà Lan và Đức với trị giá nhập khẩu trong năm ngoái đạt lần lượt 7,6 tỷ USD và 7,3 tỷ USD.

Các thị trường còn lại đều có mức giao dịch thương mại với Việt Nam ở mức thấp, từ 34 triệu USD cho tới 600 triệu USD.

 

Khu vực thị trường EU với 500 triệu dân, nhu cầu nhập khẩu khoảng 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm, EVFTA tạo thuận lợi cho các ngành hàng, doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường EU thuận lợi hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc dễ dàng tăng xuất khẩu và hưởng ưu đãi theo cam kết nếu doanh nghiệp không tìm hiểu kỹ và tuân thủ, đầu tư gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam trong sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU

 

 

EVFTA tạo xung lực mới cho thương mại và đầu tư Việt Nam – EU
Việt Nam - nền kinh tế đang tỏa sáng với mức tăng trưởng cao và EU - nơi có thị trường gần 450 triệu dân, đang gia tăng hợp tác thương mại và đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư