Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tăng trưởng xanh là mục tiêu xuyên suốt
Trang Ninh - 24/09/2016 15:20
 
Quan niệm “phát triển bền vững chỉ mang tính chất khuyến khích các doanh nghiệp tham gia” đã không còn đúng. Thay vào đó, nó dần trở thành một xu thế tất yếu, một yêu cầu bắt buộc trong chiến lược phát triển của mỗi doanh nghiệp, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia.
Phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp cần hướng tới
Phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp cần hướng tới

Thực tế, một doanh nghiệp lớn, có nguồn lực mạnh, chưa hẳn đã là một đối tác tin cậy, một địa chỉ có thể gửi gắm lòng tin của công chúng đầu tư nói riêng, cũng như xã hội nói chung, nếu doanh nghiệp đó không xây dựng được cho mình uy tín về sự minh bạch, trung thực với cổ đông, nhà đầu tư và các đối tác kinh doanh, đồng thời tạo dựng lòng tin của xã hội với tư cách một “công dân doanh nghiệp” có trách nhiệm.

Thiếu vắng lòng tin đó, doanh nghiệp khó có thể tồn tại trên thương trường với những đòi hỏi về trách nhiệm ngày càng khắt khe, chứ chưa nói đến việc vươn lên chiếm lĩnh những vị trí hàng đầu. Một trong những câu chuyện điển hình là trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại vùng duyên hải ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, do hoạt động xả thải của Công ty TNHH Hưng Nghiệp – Formosa, gây bức xúc lớn trong xã hội thời gian qua.

Phát biểu tại Hội nghị “Phát triển bền vững – Xu thế tất yếu và sự cần thiết đối với doanh nghiệp” ngày 22/9/2016, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, mô hình tăng trưởng của Việt Nam hiện nay được nhận định là chưa mang yếu tố bền vững, khi chưa có những xem xét, đánh giá cụ thể về vấn đề môi trường và xã hội trong các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo ông Tài, giống như Nhật Bản, Singapore…, trong những giai đoạn đầu phát triển, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường và xã hội vì nhiều nguyên nhân, trong đó, phần nhiều là do vẫn còn chủ quan khi ưu tiên vấn đề kinh tế hơn môi trường và xã hội. Tuy nhiên, ông Tài cho rằng, điều quan trọng là phải sớm tìm ra giải pháp cho tình trạng này, để bước sang một giai đoạn phát triển mới, ổn định hơn, bền vững hơn. Do đó, vào thời điểm hiện tại, cần nhất là những giải pháp mang tính đồng bộ, với sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là các tổ chức dân sự xã hội, các tổ chức phi chính phủ và khối doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Leo Evers, Tổng giám đốc điều hành Nhà máy bia Heineken Việt Nam cho rằng, việc hướng tới phát triển bền vững luôn là mục tiêu hàng đầu mà các doanh nghiệp cần hướng tới, nhằm có trách nhiệm hơn trong việc góp phần mang lại những tác động tích cực về kinh tế, xã hội và môi trường. Ông Leo cam kết, bản thân Heineken sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững mà Heineken toàn cầu đã đề ra, nhằm mang lại giá trị đích thực cho hành trình “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn”.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường cho rằng, giải pháp tốt nhất về phát triển bền vững và “tăng trưởng xanh” chính là việc hình thành các kế hoạch hành động từ Trung ương đến địa phương, triển khai đồng bộ và phù hợp các nội dung về nâng cao nhận thức; hoàn thiện thể chế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngành, địa phương và doanh nghiệp, đổi mới công nghệ và các giải pháp khác theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Ông Tuấn Anh cho biết, hiện tại, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để xây dựng, thực hiện và hướng tới hoàn thiện mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tận dụng tối đa các lợi thế để nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và “tăng trưởng xanh” trở thành mục tiêu xuyên suốt và dài hạn của tăng trưởng kinh tế.

Theo đánh giá của ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là cách tiếp cận mang rất nhiều ý nghĩa thiết thực, không chỉ hướng đến sự gia tăng lợi ích kinh tế đơn thuần, mà còn bao hàm cả quá trình duy trì, bảo tồn và tiến tới phục hồi các nhân tố môi trường, đặc biệt là môi trường sinh thái tự nhiên; giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội; xây dựng và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; đảm bảo cho sự phát triển khỏe mạnh của nền kinh tế và xã hội trong lâu dài.

Lập tổ công tác rà soát các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có quyết định về việc thành lập tổ công tác rà soát danh mục các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư