Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đại biểu là chuyên gia
Nguyễn Lê - 10/08/2023 18:33
 
Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội" đang được xây dựng, sẽ có tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội.
.
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh Quochoi.vn.

Ngày 10/8, Ban chỉ đạo Đề án “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” đã họp tại nhà Quốc hội.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, Đảng đoàn Quốc hội giao Ban Công tác đại biểu chủ trì xây dựng 2 đề án “Tăng cường chất lượng, nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách” và “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Để tránh trùng lặp về nội dung và thuận lợi trong thực hiện, đồng thời không làm thay đổi nội dung đã được Đảng đoàn Quốc hội giao, thống nhất với Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội “đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách để góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội”, Ban Chỉ đạo Đề án xin tích hợp, lấy tên Đề án là: “Đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội” và làm dày dặn hơn các nội dung về “đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội”, “xây dựng tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội” trong Đề án.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Đề án gồm bốn phần: Khái quát về đại biểu Quốc hội, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động, cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội. Thực trạng tiêu chuẩn, cơ cấu, chất lượng, hiệu quả hoạt động và cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội; giải pháp đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội và xây dựng cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội trong các nhiệm kỳ tiếp theo; tổ chức thực hiện.

Tại cuộc họp, đa số ý kiến từ các thành viên Ban chỉ đạo cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Đề án; đồng thời đóng góp một số ý kiến hoàn thiện nội dung đề án. Một số ý kiến đề nghị có giải pháp hỗ trợ đại biểu Quốc hội hoạt dộng như cung cấp thông tin, đổi mới hoạt động của bộ phận giúp việc (văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương), cung cấp kỹ năng hoạt động đại biểu dân cử, đảm bảo cơ sở vật chất, cơ chế chính sách của đại biểu Quốc hội.

Các ý kiến cũng đồng tình với sự cần thiết đổi mới cơ cấu đại biểu Quốc hội theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách một cách hợp lý; tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tái cử; tăng đại biểu là chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, tài chính - ngân sách; giảm số đại biểu công tác trong các ngành hành pháp, tư pháp.

Đồng thời tiếp tục có các giải pháp để đạt cơ cấu nữ và bảo đảm cơ cấu dân tộc. Nghiên cứu tỷ lệ cho đại biểu tự ứng cử để khuyến khích những người có uy tín, năng lực tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội….

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án đề nghị rà soát kỹ Dự thảo Đề án để có các giải pháp hữu hiệu nhằm đổi mới cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, để hoạt động của đại biểu Quốc hội khoa học, tăng tính chuyên nghiệp, chuyên sâu, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội lưu ý Thường trực Ban Chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng thêm về tiêu chuẩn, cơ cấu đại biểu Quốc hội, lộ trình tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách.

Về cơ chế, tiêu chí đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu nội dung Đề án cần rõ hơn nữa về tính khả thi, hợp lý, thực chất của một số tiêu chí đánh giá. Theo Phó chủ tich đơn giản hóa các tiêu chí định tính; bỏ các tiêu chí không còn phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội; đồng thời tham khảo thêm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc nhiều địa phương đã và đang có những hình thức đánh giá sơ bộ, với quan điểm thực chất, có cơ sở, dễ làm, dễ thuyết phục…

Liên quan tới quy hoạch đại biểu Quốc hội khóa tới, tiếp xúc cử tri Thành phố Hải Phòng sau kỳ họp Quốc hội thứ năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quy hoạch hiện nay đang làm và lần đầu tiên Đảng đoàn Quốc hội quyết định, quy hoạch từ Chủ tịch, các phó chủ tịch cho đến các uỷ ban đều gửi xin ý kiến giới thiệu của 63 tỉnh thành phố và các bộ, ngành.

Việc này nhằm kịp thời phát hiện các nhân tố có nguyện vọng tha thiết hoạt động trong lĩnh vực này, hai là có trình độ, có năng lực và tiêu biểu. “Chúng ta chủ động từ sớm từ xa để xây dựng cơ cấu cho đại biểu chuyên trách và các vị trí lãnh đạo, quản lý của Quốc hội trong khóa tới. Trước quy hoạch hơi khó, lần này rất lạ là các bộ ngành địa phương giới thiệu khá đông”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư