Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 07 tháng 10 năm 2024,
Tạo môi trường đột phá để đón cơ hội năm 2021
Kỳ Thành - 25/12/2020 09:14
 
Việt Nam được đánh giá là điểm đến của dòng vốn đầu tư, song để tận dụng tối đa cơ hội này, cải cách thể chế, môi trường kinh doanh vẫn là câu chuyện mà các doanh nghiệp đặt ra.
Việt Nam đang nổi lên là một địa chỉ đỏ thu hút đầu tư trong khu vực.
Việt Nam đang nổi lên là một địa chỉ đỏ thu hút đầu tư trong khu vực.

Coi Việt Nam là ngôi nhà thứ hai

“Các bạn hãy coi Việt Nam chính là ngôi nhà thứ hai và chúng ta sẽ cùng nhau có một Lễ Giáng sinh ấm áp, an toàn và nhiều niềm vui”. Thông điệp này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối kỳ 2020 diễn ra mới đây.

Đáp lại kỳ vọng trên, rất nhiều ý kiến từ các hiệp hội doanh nghiệp, nhóm công tác của VBF đã được đề cập một cách thẳng thắn tại VBF.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, không chỉ các chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn ở lại Việt Nam như là ngôi nhà thứ hai để đón Giáng sinh, mà có lẽ Việt Nam cũng đã trở thành ngôi nhà thứ hai để các tập đoàn, doanh nghiệp FDI lớn đặt “đại bản doanh”.

Ghi nhận và đánh giá cao các góp ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Các bạn đã nhận thức được vai trò và trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam”.

Tính đến hết tháng 11/2020, số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh tăng và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt khoảng 26,43 tỷ USD. Đặc biệt, có tới 1.051 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,8%.

Trong đại dịch Covid-19, thông tin các nhà đầu tư ngoại mở rộng, đầu tư mới vào Việt Nam vẫn liên tục được cập nhật, đặc biệt là các nhà sản xuất gia công lớn cho Apple như Foxconn, Luxshare, Pegatron... đều có động thái mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Takio Yamada, mặc dù trên thế giới, Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng Việt Nam đã đạt được thành công trong công tác chống dịch. Trong khi các nước đang nỗ lực chống dịch thì Việt Nam đã khống chế được dịch, giúp kinh tế tăng trưởng dương, tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của năm 2020 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. "Trên thế giới chỉ Việt Nam mới có thành công lớn như vậy", ông Takia Yamada nói tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam diễn ra đầu tuần này.

Đại sứ Takio Yamada cũng tiết lộ, các nhà đầu tư, trong đó có Nhật Bản đang quan tâm đến Việt Nam như là điểm đến đầu tư sau Covid-19.

Báo cáo “Điểm lại” mới nhất của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cũng nhận định: “Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng Covid-19”. Cơ quan này cũng dự báo trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.

Những góp ý chân thành

Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo lập một môi trường kinh doanh ổn định, vững chắc và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục những nỗ lực thực chất và đồng bộ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, song cộng đồng doanh nghiệp vẫn khuyến nghị, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn để đạt được các mục tiêu chiến lược.

Điều tra thường niên 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm còn 35%, từ con số 42% của năm 2018. “Tuy nhiên, 35% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện vẫn là con số tương đối lớn”, báo cáo của VCCI nhìn nhận.

Ghi nhận Việt Nam đang nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nhưng theo ông Sudo Kazunori, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, vẫn còn tồn tại một số vấn đề liên quan đến công khai thông tin của doanh nghiệp nhà nước, đến việc đẩy nhanh thời gian triển khai và đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép đầu tư, áp dụng ưu đãi đầu tư, tỷ lệ nội địa hóa, hoàn thiện hạ tầng, vấn đề nhập cảnh...

“Những cam kết cần được thể chế hóa thành chính sách, điều này rất cần sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam”, ông Sudo Kazunori nói.

Đi vào vấn đề cụ thể của doanh nghiệp, ông Hatakiyama Yuki, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Nipro Vietnam cho biết, doanh nghiệp hiện mất nhiều thời gian làm thủ tục hoạt động kinh doanh. Trong các dự án phát triển, có dự án phải mất hơn 1 năm làm thủ tục từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyền sử dụng đất. Đặc biệt, đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì khi điều chỉnh quy hoạch tổng thể sẽ mất nhiều thời gian hơn so với dự án do thành phố hay tỉnh phê duyệt.

Ông Hatakiyama đề nghị đẩy nhanh quy trình cấp phép đầu tư, các cơ quan hữu quan ở Trung ương và địa phương rút ngắn thời gian thực hiện trong các khâu thủ tục hành chính từ khi nộp hồ sơ đến khi được cấp phép.

“Điều này sẽ thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp, thu hẹp tổn thất lợi nhuận nhờ rút ngắn thời gian làm thủ tục và hiệu quả kinh tế nhờ sớm triển khai dự án”, ông Hatakiyama Yuki nói.

Sắp chất vấn về đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng được chọn trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 47 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư