Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Tạo vốn cho khởi nghiệp
Phương Linh (kinhtedothi.vn) - 18/04/2017 14:20
 
Nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn luôn là vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, bởi đây là điều kiện cần để đầu tư và phát triển.

Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp còn gặp khó khăn nhiều hơn, do thường thiếu kinh nghiệm về thị trường, nhân sự, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, cùng với việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, nhiều giải pháp cũng được đưa ra.

Có nhiều cách làm

Ngoài cách có thể kêu gọi đầu tư từ gia đình, bạn bè, người thân thì còn cách nào khác, vì những dự án khởi nghiệp thường đi từ sản phẩm nhỏ mới có vốn để đầu tư ngược lại sẽ rất tốn thời gian và công sức. Vấn đề này được rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên các ngành công nghệ thông tin quan tâm và đặt câu hỏi trong chương trình giao lưu “Cơ hội thành công của khởi nghiệp công nghệ Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội mới đây. Chương trình nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Nhân tài đất Việt nhằm chia sẻ những cảm hứng sáng tạo - khởi nghiệp cho sinh viên với các sản phẩm, ý tưởng, nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ.

Chia sẻ với băn khoăn trên của nhiều bạn trẻ, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chia sẻ: Đặc thù của doanh nghiệp khởi nghiệp là chỉ có ý tưởng mà thường ngân hàng không đánh giá được, chưa kể đầu ra của sản phẩm cũng không hề đơn giản. Chính vì thế, đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp là cần thiết nhưng cách làm không chỉ trông cậy ngân hàng mà phải căn cứ vào các quỹ hỗ trợ, quỹ tương hỗ, quỹ đầu tư mạo hiểm…

Trong khi đó, Giám đốc Chiến lược Tập đoàn VNPT Nguyễn Hữu Thái Hòa chia sẻ, ở Việt Nam hiện nay, các nhà đầu tư mạo hiểm không nhiều, nhưng khi nghĩ đến vốn đầu tư ban đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp cần nghiên cứu tới hàng nghìn nhà đầu tư luôn sẵn sàng và đang rất gần chúng ta. “Tại sao mình lại phải ngồi chờ đợi, thậm chí đặt cược mình vào ai đó, rằng họ sẽ cho mình vay 40 - 50 triệu đồng?”, ông Hòa đặt vấn đề và cho rằng, điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là chủ động: “Chúng tôi muốn khuyên các em muốn khởi nghiệp, chúng ta phải chủ động trước tiên”.

doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trong gian hàng tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Khắc Kiên
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm trong gian hàng tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ảnh: Khắc Kiên

Quan trọng là hãy mạnh dạn

Thời gian qua, Chính phủ đã triển khai những chính sách ưu tiên bố trí vốn cho 5 lĩnh vực, trong đó cũng đã tính đến doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể với mức điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất về 6%, những doanh nghiệp khởi nghiệp cũng sẽ được tiếp tục giảm thêm khoảng 2%. Bên cạnh đó, nhiều nguồn quỹ được thành lập như quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm… cũng đã bước đầu được thành lập.

Với mong muốn biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp như Israel, vừa qua, Tập đoàn FPT đã và đang hợp tác chiến lược với các quỹ và vườn ươm quốc tế để có thể tạo ra một môi trường khởi nghiệp cho mục tiêu đạt 5.000 công ty công nghệ vào năm 2020. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT cho biết, ngoài việc được hỗ trợ nguồn vốn, doanh nghiệp khởi nghiệp khi được chọn tham gia sẽ có cơ hội làm việc với các chuyên gia, cố vấn giàu kinh nghiệm từ trong và ngoài FPT. Từ đó, hướng đến mục tiêu là tạo ra sản phẩm mà thị trường thật sự cần, có khả năng nâng tầm không chỉ ở Việt Nam mà hướng đến cả thị trường khu vực và thế giới.

“Để hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT cùng với Tập đoàn Hanwa của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư mạo hiểm Dragon Capital, Công ty Chứng khoán BIDV phối hợp thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Quỹ sẽ giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam ngoài vốn còn có điều kiện để tiếp cận với thị trường quốc tế, được huấn luyện đào tạo bởi những chuyên gia có kinh nghiệm đồng thời giúp cho các bạn khởi nghiệp, có thể sau đấy nhận được nguồn vốn đầu tư to hơn”, ông Đức cho biết.

“Các bạn hãy bật ý tưởng sáng tạo của mình, tập hợp bạn bè để tạo ra các sản phẩm. Sản phẩm đó dù chưa thành công nhưng hãy mạnh dạn đưa ra để thiên hạ phán xét, dù khen hay chê thì đó cũng là thành công đối với các bạn”, đó có lẽ là những chia sẻ chân thật nhất mà ông Nguyễn Long, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam gửi tới cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ thông tin, một thế mạnh của Việt Nam hiện nay.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Khởi nghiệp không phải nói cho đẹp, cho vui
“Khởi nghiệp sáng tạo là bước đi cần thiết của đất nước. Nó không phải trào lưu, không phải là ngôn ngữ mang tính thời thượng, nói cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư