Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tập đoàn Cao su báo lãi tăng hơn 74%, sắp chốt quyền trả cổ tức 2.400 tỷ đồng
Thanh Thủy - 29/07/2021 08:09
 
So với mức nền thấp ở nửa đầu năm 2020, các mảng kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đều tăng trưởng mạnh, nhất là mảng cao su và chế biến gỗ.

Lợi nhuận bật tăng nhờ giá hàng hóa hồi phục

Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (mã GVR; sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 và nửa đầu năm với doanh thu và lợi nhuận đều tăng mạnh.

Theo đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh tăng 72% lên 5.688 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu các sản phẩm từ cao su tăng mạnh nhất (gần 96%) và mang về 880 tỷ đồng. Tuy vậy, doanh thu từ mủ cao su vẫn là nguồn thu chính của tập đoàn khi đóng góp 3.297 tỷ đồng, tăng gần 88% so với cùng kỳ. Mảng chế biến gỗ cũng mang về gần 1.100 tỷ đồng.

Cùng sự gia tăng mạnh mẽ của doanh thu, tỷ suất lợi nhuận gộp cũng được cải thiện từ 21,4% quý II/2020 lên 28,6% quý này. Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết giúp lợi nhuận gộp và lợi nhuận sau thuế của đại đa số các đơn vị có vốn góp tập đoàn đều cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Giá bán các sản phẩm mủ cao su tăng, ổn định; giá bán một số mặt hàng gỗ, sản phẩm công nghiệp cao su cũng tăng. Cùng đó, doanh thu cho thuê hạ tầng khu công nghiệp tăng.

.
Cơ cấu doanh thu quý II/2021

Các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng khá mạnh so với cùng kỳ. Dù vậy, tập đoàn vẫn báo lãi trước thuế 1.357 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2020. Sau nửa đầu năm, “ông lớn” này đã thu về 2.661 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 77% so với cùng kỳ. Kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm cũng đã hoàn thành được một nửa.  Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu cải thiện mạnh nhưng vẫn còn khá khiêm tốn khi mới chỉ đạt 416 đồng sau nửa năm.

Gia tăng tích trữ hàng tồn kho, giảm kênh tín dụng ngân hàng

Đến cuối quý II/2021, quy mô tài sản của tập đoàn xấp xỉ 79.341 tỷ đồng, giảm gần ngàn tỷ đồng so với đầu năm. Cơ cấu phân bổ tài sản cũng ghi nhận một số thay đổi khi tập đoàn đẩy mạnh tích trữ tồn kho, nhất là tồn kho thành phẩm và nguyên vật liệu trong khi giảm lượng tiền nắm giữ. Tiền gửi kỳ hạn ngắn của tập đoàn đã giảm 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi tồn kho tăng thêm gần 1.100 tỷ đồng lên 3.175 tỷ đồng.

Giá cao su trên thị trường thế giới hiện vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ nhưng đã điều chỉnh so với giai đoạn trước đây. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực săm lốp thời gian qua cũng tăng trữ tồn kho phục vụ sản xuất.

Tập đoàn tiếp tục hạ tỷ trọng nợ dù nợ phải trả hiện mới chỉ chiếm 1/3 trong cơ cấu nguồn vốn. Đến cuối quý II, nợ phải trả của tập đoàn xấp xỉ 26.525 tỷ đồng, giảm gần 2.300 tỷ đồng so với đầu năm. Chủ yếu do giảm kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng (2.066 tỷ đồng).

Dù đã giảm lượng tiền nắm giữ, giá trị các khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng vẫn khá cao xấp xỉ 15.364 tỷ đồng, tương đương 20% tổng tài sản. Hội đồng quản trị doanh nghiệp này mới đây đã họp và thống nhất ngày chốt quyền chi trả cổ tức năm 2020 cho các cổ đông vào 14/10. Tỷ lệ chi trả cổ tức đã được ĐHĐCĐ phê duyệt trong cuộc họp thường niên ở mức 6%. Với quy mô vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, tập đoàn sẽ chi trả 2.400 tỷ đồng cho các cổ đông vào ngày 28/10.

Cũng nhờ mức vốn điều lệ lớn, tập đoàn hiện cũng đang nằm trong nhóm dẫn đầu về vốn hóa thị trường. Theo mức giá đóng cửa ngày 27/7 (32.800 đồng/cổ phiếu), vốn hóa thị trường của GVR xấp xỉ 131.200 tỷ đồng. Cổ phiếu GVR đã lên sàn từ tháng 3/2020. Sau hơn một năm, GVR đã lọt rổ chỉ số VN30 trong kỳ xem xét gần đây và chính thức nằm trong rổ chỉ số này từ tháng 8/2021.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Nhận diện rủi ro tài chính khi giá cao su bấp bênh
Đà rớt giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP kể từ sau khi niêm yết tuy đã chững lại, nhưng các yếu tố thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư