Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 20 tháng 11 năm 2024,
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam: Nhận diện rủi ro tài chính khi giá cao su bấp bênh
Chí Tín - 12/04/2020 10:47
 
Đà rớt giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP kể từ sau khi niêm yết tuy đã chững lại, nhưng các yếu tố thị trường vẫn chưa thực sự hỗ trợ cho tân binh này, khi chọn lên sàn vào đúng thời điểm nhiều diễn biến bất ổn đan xen.
.
Giá cao su diễn biến bấp bênh sẽ gây áp lực khá lớn về lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành cao su, đặc biệt trong ngắn hạn.

Giá cổ phiếu giảm sâu dưới giá trị sổ sách

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng, Nhà nước nắm giữ là chủ yếu, chiếm 96,77% vốn điều lệ, do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đại diện nắm giữ. Ngay sau khi niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từ giữa tháng 3/2019, cổ phiếu GVR của doanh nghiệp này gặp phải chuỗi ngày đen tối khi liên tục giảm giá.

Cụ thể, từ mức tham chiếu 11.570 đồng/cổ phiếu, giá GVR rơi một mạch, đến ngày 30/5/2019 chạm mức đáy, chỉ còn 8.300 đồng/cổ phiếu. Trong một số phiên giao dịch đầu tháng 4/2020, cổ phiếu này có một số thời điểm hồi phục nhẹ, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với giá tham chiếu hồi mới chào sàn. Điều này làm cho thị giá cổ phiếu GVR tụt xuống mức thấp sâu hơn khá nhiều so với giá trị sổ sách của doanh nghiệp.

Tại ngày 31/12/2019, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có vốn chủ sở hữu 50.757 tỷ đồng. Quy mô vốn này nếu so với số lượng 4 tỷ cổ phiếu GVR đang lưu hành, thì mỗi cổ phiếu có giá trị sổ sách tương ứng khoảng 12.689 đồng.

Như vậy, việc GVR khi xác định giá tham chiếu niêm yết chỉ 11.570 đồng/cổ phiếu đã thấp hơn giá trị sổ sách của doanh nghiệp. Song ảnh hưởng từ bối cảnh chung của thị trường khiến giá cổ phiếu này vẫn không thể trụ vững. Với mức thị giá hiện chỉ dưới 9.000 đồng/cổ phiếu, khoảng cách với giá trị doanh nghiệp tính trên sổ kế toán đã xuống khá sâu.

Bất ổn từ thị trường

Ngoài việc niêm yết đúng thời điểm thị trường chứng khoán lao đao, thì “bão táp” còn hoành hành trên thị trường kinh doanh của đại gia ngành cao su này. Theo đó, việc giá dầu giảm thấp đang là áp lực lớn đè nặng lên ngành cao su. Đầu tháng 4/2020, giá cao su và giá dầu tuy cũng tăng trở lại, nhưng các yếu tố bất ổn về thị trường vẫn là một thách thức chung với các doanh nghiệp.

Thế giới hiện sử dụng cùng lúc 2 loại cao su: cao su thiên nhiên (cao su khai thác từ cây cao su) và cao su tổng hợp (cao su được chiết xuất từ dầu mỏ). Khi giá dầu giảm, giá cao su tổng hợp sẽ giảm so với giá cao su tự nhiên, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho giá cao su tổng hợp. Các nhà sản xuất sẽ chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp, nhu cầu cao su thiên nhiên giảm dẫn đến giá cao su thiên nhiên giảm.

Về thị trường, 3 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu cao su đạt 227.000 tấn, trị giá 331 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm hơn 26% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá cao su diễn biến bấp bênh sẽ gây áp lực khá lớn về lợi nhuận cho các doanh nghiệp ngành cao su, đặc biệt trong ngắn hạn. Lượng hàng dự trữ trong kho khi nhập hàng tại thời điểm giá cao sẽ là nguyên nhân làm giá vốn bị đẩy lên cao khi hạch toán kết quả kinh doanh.

Giai đoạn vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam không tích trữ quá nhiều hàng tồn kho, nếu so với với các doanh nghiệp cùng ngành khác.

Tại thời điểm cuối năm 2019, giá trị hàng tồn kho của Tập đoàn là 3.195 tỷ đồng, chỉ chiếm dưới 16% so với doanh thu thuần của doanh nghiệp trong năm 2019. Tỷ trọng này chỉ cao hơn con số của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú, nhưng thấp hơn so với Công ty cổ phần Cao su Phước Hà và thấp hơn rất nhiều so với Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng.

Xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sau cổ phần hóa
Phó Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện VRG sau cổ phần hóa, định hướng đến năm 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư