Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Tập đoàn CNCTech "bắt tay" đối tác ngoại phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hải Yến - 01/09/2024 13:36
 
Tập đoàn CNCTech (Việt Nam) đã "bắt tay" với Công ty Signetics, một doanh nghiệp lớn về bán dẫn của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy bán dẫn ở khu công nghiệp Bá Thiện 1, tỉnh Vĩnh Phúc, dự án đi vào vận hành vào năm 2025.

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech thông tin về dự án mà Tập đoàn này "bắt tay" với đối tác Hàn Quốc đàu tư tại Vĩnh Phúc.

Thông qua tìm hiểu chính sách thu hút đầu tư, doanh nghiệp Hàn Quốc tìm được mục tiêu chung với CNCTech trong hợp tác sản xuất bán dẫn tại Việt Nam. Signetics là doanh nghiệp lớn về bán dẫn của Hàn Quốc.

"Vừa rồi chúng tôi đã ký kết hợp tác để xây dựng nhà máy bán dẫn ở khu công nghiệp Bá Thiện 1, tỉnh Vĩnh Phúc với diện tích hơn 50.000m2, tổng đầu tư tối thiểu là 100 triệu USD. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2025", ông Trung thông tin.

Signetics có những sản phẩm rất nổi bật bao gồm flip-chip BGA, FPGA,… là những loại chip lắp ở trong tivi và ở trong GPU. Trong khi đó, CNCTech có thế mạnh về sản xuất công nghiệp, về hạ tầng cũng như về công nghệ.

Bán dẫn là một ngành khá mới tại Việt Nam, đây cũng là cơ hội để CNCTech có thể tham gia sâu hơn và rộng hơn vào những mảng công nghiệp mới, công nghệ mới từ nước ngoài nhập về Việt Nam. 

Theo ông Trung, để thu hút các đối tác ngoại cùng tham gia đầu tư, CNCTech đã và đang xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện để có thể kết nối được với công ty, doanh nghiệp trên thế giới cũng như là các công ty Việt Nam, qua đó hình thành một hệ sinh thái có thể hỗ trợ nhau, đôi bên cùng có lợi, tạo ra được nhiều giá trị dài hạn nhất.

Nói thêm về các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiêp hỗ trợ, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương cho hay, thời gian qua, Bộ Công thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chính sách về công nghiệp hỗ trợ trong thời gian qua đã tương đối hoàn thiện, Nghị định số 111/2015/NĐ-CP có tác động lớn đối với doanh nghiệp khi được áp dụng từ năm 2017 đến nay, nhờ đó, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đã tham gia dần được vào các chuỗi cung ứng và đạt giá trị gia tăng tương đối cao.

"Thời gian qua, có rất nhiều các doanh nghiệp FDI vệ tinh đi theo những tập đoàn lớn đã tham gia đầu tư vào Việt Nam để tận dụng ưu đãi về chính sách, về thuế và các chính sách liên quan đến môi trường", ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Thông qua các chương trình hỗ trợ, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài không ngừng tăng lên.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty ôtô Toyota Việt Nam cho biết: "Toyota hoạt động tại Việt Nam gần 30 năm, ban đầu chỉ có hơn 300 doanh nghiệp Việt Nam đạt được chứng chỉ ISO/TS 16949, hiện tại đã đạt được trên 500 doanh nghiệp. Caác doanh nghiệp Việt Nam đã tiến lên những nấc thang cao hơn của các linh kiện đòi hỏi về công nghệ cao hơn,  như dập rèn, hay là các linh kiện cho những dòng xe mới".

Trong khi đó, ông Dương Minh Hải, Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết, với sự hỗ trợ về chính sách, doanh nghiệp đã có định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu.

“Hiện tại, khoảng trên 50% sản lượng của công ty được xuất khẩu trực tiếp và cung ứng cho các doanh nghiệp FDI trong nước,” ông Dương Minh Hải nói.

Số liệu từ Bộ Công thương, ngành dệt may - da giày hiện tự chủ được khoảng 30 - 45% nguyên liệu; trong lĩnh vực cơ khí chế tạo khoảng 30%.

Chia sẻ thêm những vấn đề doanh nghiệp ngoại quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam, ông Trung cho biết: "Qua tiếp xúc với nhiều khách hàng lớn quốc tế, ngoài điểm chung được quan về chất lượng, giá cả, tiến độ thì bây giờ đã mở rộng sang các tiêu chuẩn cao hơn, khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững,… ".

Doanh nghiệp Việt đáp ứng được những yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững sẽ dễ lọt vào "mắt xanh" của các đối tác ngoại. 

"Về dài hạn, CNCTech mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền để không chỉ CNCTech mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện, có một môi trường thuận lợi để phát triển, đầu tư, cạnh tranh lành mạnh với các công ty ở trên toàn cầu", ông Trung nói.

Cùng với sự gia tăng thu hút vốn FDI, công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh đã có sự đổi thay đáng kể. Toàn tỉnh hiện có khoảng 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng, chiếm 10,1% số doanh nghiệp chế biến, chế tạo; chủ yếu phục vụ các lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử, cơ khí, thực phẩm, đồ uống công nghệ cao.
Đặc biệt, ngành công nghiệp điện tử với sự góp mặt của các tập đoàn đa quốc gia lớn toàn cầu kéo theo sự thu hút hàng loại các nhà cung ứng giúp cho Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm sản xuất, lắp ráp điện tử hàng đầu trên cả nước.
Hay tại Hải Phòng, trong tổng số 28,9 tỷ USD vốn FDI vào Thành phố, có hơn 50% vốn được tập trung cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ như: sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính… 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng…
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư