Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Taxi Vinasun phản đối Uber, Grab: Lợi bất cập hại
Bảo Minh - 14/10/2017 08:43
 
Việc nhiều xe taxi của hãng Vinasun dán decal sau xe với khẩu hiệu phản đối Uber, Grab vào cuối tuần qua được xem là hành động “lợi bất cập hại”, không chỉ cho thương hiệu của Vinasun, mà còn ảnh hưởng đến nhiều tài xế đang làm việc cho hãng này.
TIN LIÊN QUAN

Có phải là hành vi vi phạm pháp luật?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho biết, việc Vinasun và một số hãng taxi truyền thống dán khẩu hiệu phản ứng Uber, Grab như vừa qua là có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh, nói xấu đối thủ, dựa trên 3 yếu tố.

Thứ nhất, theo Điều 43, Luật Cạnh tranh: “Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Nhiều tài xế taxi đã dán decal sau xe để phản đối Uber, Grab vì bị tranh mất khách.
Nhiều tài xế taxi đã dán decal sau xe để phản đối Uber, Grab vì bị tranh mất khách.

Do vậy, với những câu khẩu hiệu như: “Đề nghị dừng thí điểm Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh” hay “Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam”... là những biểu ngữ có dấu hiệu nói xấu thương hiệu khác. “Đó là chưa kể, hiện nay cơ quan nhà nước vẫn chưa có kết luận về việc Uber hay Grab trốn thuế, gây thất thu thuế hay không. Do đó, việc dán khẩu hiệu trên có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng”, ông Hậu nhấn mạnh.

Thứ hai, nếu chiếu theo Bộ luật Dân sự, hành vi nêu đích danh, hoặc nói xấu, xúc phạm người khác thì cần chứng minh bằng những dẫn chứng cụ thể. Vì việc sử dụng tên và hình ảnh không được phép sẽ tạo ra tranh chấp không đáng có.

Thứ ba, hình thức dán các decal trên xe là một hình thức quảng cáo, truyền bá. Đây là hành vi khi thực hiện phải xin phép cơ quan có thẩm quyền.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết, Cục đang yêu cầu các bên cung cấp thông tin và sẽ thông báo khi có kết quả.

Xem lại việc quản trị doanh nghiệp

Xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chính thì ai cũng thấy, đó là do sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường vận tải hành khách thời gian qua, thể hiện rất rõ giữa các doanh nghiệp truyền thống và các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới. Các mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống đang gặp vô vàn khó khăn và hiệu quả kinh doanh đang giảm đáng kể.

Một chuyên gia thương hiệu phân tích, đáng ra, trước áp lực cạnh tranh, doanh nghiệp phải nhìn lại mình, chịu khó đầu tư, tái cấu trúc để nâng cao năng lực, thì họ lại xoay ra phản ứng bằng những động thái thiếu văn hóa ứng xử.

Tuy nhiên, lý do thứ hai quan trọng hơn được LS. Nguyễn Văn Hậu chỉ ra là, hệ thống quản trị doanh nghiệp quá yếu. Vinasun là một thương hiệu tên tuổi, doanh nghiệp niêm yết, hoạt động có hẳn một Ban Pháp chế, nhưng hành động vừa qua đã cho thấy cần xem lại vai trò ban này trong hệ thống quản trị của Vinasun. Hành động có biểu hiện vi phạm pháp luật mà vẫn thực hiện. Đó là chưa kể, đây được xem là khủng hoảng truyền thông lại không được doanh nghiệp này dự phòng xử lý khi tình huống xảy ra.

Trở lại vụ việc, khi trả lời báo chí về lý do dẫn đến hành động này, ông Tạ Long Hỷ, Phó tổng giám đốc Vinasun cho rằng, việc tài xế dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab sau xe là hành động tự phát, không có chủ trương từ phía doanh nghiệp. Còn nhận định về nội dung các khẩu hiệu, ông Hỷ cho rằng: “Không có gì quá đáng. Có thể anh em bức xúc quá mới làm vậy. Chúng tôi đang cho rà soát tất cả taxi đang hoạt động”.

Bình luận về sự việc này, LS. Nguyễn Văn Hậu cho rằng: “Đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi như vậy sẽ bị đám đông nói chung và người tiêu dùng, khách hàng nói riêng tẩy chay vì không phù hợp với văn hóa hội nhập của Việt Nam hiện nay”.

Thiệt hại không chỉ thương hiệu

TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân BizLight chia sẻ trên Dân Trí: “Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp dễ dẫn đến sự vi phạm pháp luật trong nước và vi phạm các thoả thuận trong các hiệp định tư do thương mại mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Thậm chí, cạnh tranh không lành mạnh chính là chúng ta đang cầm dao tự sát”.

Ở góc độ doanh nghiệp, trước áp lực cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường năng lực quản trị kinh doanh; cải thiện sự yếu kém về tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh doanh; cần kết nối với nhau, cạnh tranh để cùng phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú ý phát triển nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ để giảm chi phí, nâng cao năng suất lao động…

“Với người tiêu dùng, họ chỉ lựa chọn dịch vụ tốt nhất, giá thành rẻ nhất và ứng xử thân thiện nhất”, ông Tín nhấn mạnh.

Tuy nhiên, một đối tượng chịu tác động rất lớn từ vụ việc này, nhưng lại chưa được quan tâm, đó chính là gần 10.000 tài xế đang làm việc cho Vinasun. Hành động non kém về ứng xử trong cạnh tranh đang đặt cuộc sống, “nồi cơm” của gần 10.000 tài xế Vinasun có nguy cơ tổn hại trước cái nhìn kém thiện cảm của khách hàng, người tiêu dùng và vị trí thương hiệu Việt truyền thống càng có nguy cơ lung lay trước áp lực cạnh tranh khốc liệt của thị trường.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư