Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tây Bắc rất cần cơ chế đặc thù
Nguyên Đức - 06/04/2013 08:31
 
Chưa bao giờ có một hội nghị xúc tiến đầu tư vào Vùng Tây Bắc lại thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương như Hội nghị Xúc tiến đầu tư và An sinh xã hội Vùng Tây Bắc diễn ra ngày 3/4 vừa qua tại Tuyên Quang.
TIN LIÊN QUAN

(baodautu.vn) Sự có mặt của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đông đảo các ngân hàng thương mại cổ phần, các nhà đầu tư, thậm chí cả các nhà khoa học… đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cộng đồng các nhà đầu tư tới sự phát triển của vùng đất “phên dậu” của Tổ quốc.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Nguyễn Anh Tuấn trao 350 triệu đồng để hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học các tỉnh Tây Bắc

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh nhu cầu đẩy mạnh đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc trên các lĩnh vực thiết yếu như kết cấu hạ tầng (nhất là giao thông - vận tải) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời cho biết Chính phủ đang hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư đối với lĩnh vực nông nghiệp thông qua việc sửa đổi Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 4/6/2010 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Sự thành công của Hội nghị trước hết thể hiện qua con số 10.623 tỷ đồng của 26 dự án, mà tại Hội nghị, lãnh đạo của 10 tỉnh Vùng Tây Bắc đã trao Giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, còn có 16 dự án, với tổng vốn đầu tư 16.816 tỷ đồng, cũng đã được các doanh nghiệp ký cam kết đầu tư trong thời gian tới. Và điều ấn tượng hơn cả là khoản tín dụng trên 20.078 tỷ đồng mà các ngân hàng thương mại cổ phần cam kết tài trợ cho 15 dự án đầu tư tại Tây Bắc.

Những bằng chứng nói trên cho thấy, các nguồn lực xã hội đã và đang đổ vào Tây Bắc, nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đất giàu tiềm năng, nhưng cũng rất khó khăn này. Mặc dù vậy, phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, điều quan trọng là phải biến các cam kết đầu tư thành hiện thực. Nhìn lại 5 năm trước, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Vùng Tây Bắc được tổ chức lần đầu tiên tại Lào Cai, 33 dự án đã được trao chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký hàng chục nghìn tỷ đồng và hàng trăm triệu USD, nhưng đến nay, do nhiều nguyên nhân, kết quả triển khai còn rất chậm.

“Đã đến lúc cần có cơ chế đặc thù ưu đãi đầu tư cho Vùng Tây Bắc một cách cụ thể, rõ ràng và minh bạch, chứ không thể chỉ dừng ở những đề xuất kiến nghị, hay ghi nhận kiến nghị như các hội nghị xúc tiến đầu tư trước đây”, ông Hà nói và bày tỏ quan điểm, với Tây Bắc, khó khăn lớn nhất là hạ tầng giao thông, vì vậy, để có thể thu hút đầu tư vào vùng này, cần tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã cam kết sẽ cố gắng giải quyết vấn đề vốn và hạ tầng cơ sở cho Vùng Tây Bắc. Theo quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển giao thông vùng Tây Bắc từ nay đến năm 2020 là gần 125.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên góc độ là một nhà đầu tư đã thành công với Dự án TH True Milk ở Nghệ An, bà Thái Hương, chủ của thương hiệu này, đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là điều hết sức quan trọng đối với Tây Bắc hiện nay.

“Không chỉ cần chính sách đặc thù cho Tây Bắc, mà cụ thể hơn, cần những chính sách khác biệt để lôi kéo các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp ở Vùng Tây Bắc”, bà Hương nói.

Đang đầu tư Nhà máy Giấy và Bột giấy An Hòa (Tuyên Quang), với tổng vốn đầu tư 950 tỷ đồng, ông Vũ Văn Tiền, ông chủ của Geleximco, tỏ ra băn khoăn về sự ổn định và an toàn cho vùng nguyên liệu của Nhà máy. Với công suất 130.000 tấn bột giấy và 140.000 tấn giấy/năm, An Hòa đã được quy hoạch một vùng nguyên liệu rộng lớn, với chỉ riêng ở Tuyên Quang là 163.000 ha. Tuy nhiên, theo ông Tiền, việc trồng rừng nguyên liệu hiện vẫn manh mún và nhỏ lẻ, năng suất thấp.

“Các địa phương phải có chính sách rõ ràng về trồng rừng nguyên liệu. Các lâm trường phải là hạt nhân để cung cấp giống cây trồng, phân bón cho dân, thì 3-5 năm nữa, mới có được vùng nguyên liệu an toàn và ổn định”, ông Tiền nói.

Có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng nhiều năm qua, Vùng Tây Bắc vẫn chưa thể phát triển mạnh mẽ như kỳ vọng, thu hút đầu tư còn hạn chế. Ngoài vấn đề về hạ tầng, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, thì nguồn nhân lực cũng được cho là một khó khăn lớn. Chính vì vậy, bà Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc VietinBank cho rằng, các tỉnh Tây Bắc cần tiếp tục nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã kiến nghị các tỉnh Tây Bắc cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI.

Đó là những nền tảng khá cơ bản để kỳ vọng, Tây Bắc sẽ phát triển mạnh mẽ, đuổi kịp các khu vực khác trong cả nước trong vòng 10 năm tới, như bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã phát biểu. WB hiện đã có 66 dự án hỗ trợ phát triển Vùng Tây Bắc, với vốn cam kết 684,4 triệu USD. Và ngoài vốn đầu tư trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì ODA cũng là một nguồn vốn quý để Tây Bắc có thể phát triển trong tương lai.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư