Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
TBS linh hoạt vượt sóng để đón thành công
Việt Dũng - 24/05/2022 21:39
 
Bên cạnh thế mạnh không bàn cãi là da giày, trong những năm gần đây, Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình (TBS Group) còn đẩy mạnh phát triển bất động sản nhờ nguồn lực tài chính vững mạnh.
Toàn cảnh Nhà máy Mỹ Phong 1 (tỉnh Trà Vinh) nhìn từ trên cao
Toàn cảnh Nhà máy Mỹ Phong 1 (tỉnh Trà Vinh) nhìn từ trên cao

“Vượt sóng” 2021 thành công

2021 là một năm có nhiều thử thách với các doanh nghiệp Việt Nam khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thị trường tiêu thụ đóng băng do các quy định về phòng dịch. Bên cạnh đó, những hạn chế về lưu thông và tiêu dùng hàng hóa cũng đã khiến mặt bằng thu nhập giảm mạnh.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất còn phải đối mặt với thách thức trong việc duy trì sản xuất, duy trì đơn hàng do người lao động phải tạm nghỉ vì nhiễm bệnh, bị cách ly, dẫn đến giảm sản lượng. Chưa kể, những quy định về phòng chống dịch giữa các tỉnh trong thời gian đầu chưa thống nhất, gây khó khăn trong công tác giấy tờ, logistics. Thủ tục, quy trình cách ly F0, F1 nhiều bất cập, kéo dài thời gian cách ly, khiến người lao động khó quay trở lại làm việc…

Đối diện với những thách thức đó, TBS Group đã nỗ lực ứng phó và triển khai các kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Cụ thể, trong năm 2021, chỉ số phục hồi sản lượng ngành sản xuất vẫn đạt những con số ấn tượng, như sản lượng ngành giày đạt trên 90% so với 2020; sản lượng ngành túi xách đạt trên 90% so với năm 2020; doanh thu ngành đế tăng khoảng 26% so với năm 2020.

Với tiềm lực hùng hậu và thế mạnh trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại Bình Dương, TBS Group đang kỳ vọng xây dựng TBS Land trở thành nhà phát triển bất động sản có vị thế trên thị trường và bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của TBS Group.

Một lãnh đạo của TBS Group cho biết, để đạt được những kết quả trên, Công ty đã thực hiện nhanh chóng và hiệu quả chiến lược tiêm phủ vắc-xin Covid-19 và tuyên truyền về 5K theo như hướng dẫn của Bộ Y tế; khoanh vùng, xét nghiệm và tổ chức diễn tập phản ứng nhanh khi có ca nghi nhiễm để chủ động ứng phó linh hoạt, hạn chế ca nhiễm.

Đồng thời, Công ty thực hiện chặt chẽ mô hình sản xuất an toàn: “một cung đường, 2 điểm đến” và “3 tại chỗ” để duy trì đơn hàng. Tổ chức phân vùng xanh trong sản xuất; chuyển đổi linh hoạt chế độ làm việc “Work from Home” đối với bộ phận văn phòng; nỗ lực thực hiện mục tiêu kép là vừa duy trì sản xuất, vừa chống dịch.

Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, bên cạnh những kết quả đã đạt được nói trên, Công ty còn hoàn thành hệ thống điện mặt trời, giảm 92% lượng khí thải CO2; hoàn thành và đưa vào hoạt động thêm một trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ngành giày; sáp nhập chuỗi nhà máy Mỹ Phong (Trà Vinh) vào hệ thống sản xuất công nghiệp, giúp nâng cao công suất toàn hệ thống…

Thế nhưng, sóng gió vẫn chưa qua khi hoạt động sản xuất vừa mới hoạt động trở lại bình thường thì chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, gây xáo trộn cho hoạt động xuất nhập khẩu từ các thị trường này của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và TBS Group nói riêng.

Công ty đã chịu những tác động trực tiếp như phải ngừng sản xuất - xuất hàng toàn bộ cho thị trường Nga và Ukraine, gây xáo trộn cho Kế hoạch sản xuất - xuất hàng, giảm sản lượng kế hoạch, tăng chi phí do thay đổi đóng gói để chuyển sang đích đến mới.

Bên cạnh đó, ngoài chịu tác động gián tiếp như ảnh hưởng đến giao thông - vận chuyển cho các đơn hàng đi EU, thì lạm phát, giá xăng dầu, cước vận chuyển, nguyên vật liệu tăng cao… cũng đang làm giảm số lượng tiêu thụ và đặt hàng mới.

 “Để khắc phục những khó khăn này, Công ty đã phải phối hợp với khách hàng để đàm phán chuyển đích đến cho các đơn hàng bị ảnh hưởng do chiến tranh, sắp xếp lại kế hoạch sản xuất - xuất hàng phù hợp để bù vào số lượng các đơn hàng bị ảnh hưởng”, đại diện TBS chia sẻ.

Tái cấu trúc để đón thành công

Trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Quang Hưng, Giám đốc truyền thông của TBS Group cho biết, để hướng đến câu chuyện đường dài, lãnh đạo TBS đã đề ra 5 giải pháp.

Giải pháp thứ nhất là Reorganization: Tái cấu trúc, đào tạo đội ngũ quản lý chiến lược tiềm năng dựa vào tình huống thật.

Giải pháp thứ hai là AIM (Automation-Innovation-Modelization): Tập trung nghiên cứu hạ tầng công nghệ, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0 trong điều hành, quản trị số hóa; phát triển nguồn nhân lực được sắp xếp, tổ chức vận hành hiệu quả (tỷ lệ gián tiếp/trực tiếp); nghiên cứu kỹ thuật áp dụng tự động hóa để tăng sản lượng, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Giải pháp thứ ba là HRM (Human Resource Management): Tuyển dụng, đào tạo nhân lực; khai thác, sử dụng hiệu quả tối đa hạ tầng sẵn có.

Giải pháp thứ tư là Sour-cing: Tìm kiếm, phát triển, sử dụng chuỗi cung ứng nội địa thay thế cho nhập khẩu.

Giải pháp thứ năm là Re-structuring: Tái cơ cấu khách hàng (như tiếp xúc cơ hội với Reebok), tái cơ cấu sản phẩm, dịch vụ (như ngừng sản xuất giày nữ).

“TBS Group vừa tái cấu trúc mô hình hoạt động kinh doanh thành 2 nhóm chính là sản xuất công nghiệp thời trang; đầu tư - quản lý bất động sản, hạ tầng công nghiệp”, ông Vũ Quang Hưng cho biết.

Đại diện TBS Group cho biết thêm, trong giai đoạn tiếp theo, lãnh đạo Tập đoàn định hướng tiếp tục phân bổ đầu tư vào mảng sản xuất công nghiệp, gồm giày, túi xách, đế, công nghiệp phụ trợ; mảng bất động sản (TBS Land) gồm nhóm Hotels & Resorts với thương hiệu Mai House và nhóm bất động sản dân dụng (chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại).

Với tiềm lực hùng hậu và thế mạnh trên thị trường bất động sản, đặc biệt tại Bình Dương, TBS Group đang kỳ vọng xây dựng TBS Land trở thành nhà phát triển bất động sản có vị thế trên thị trường và bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của TBS Group.

“Ngoài lợi thế sở hữu quỹ đất ở vị trí đắc địa tại Bình Dương, TBS Group còn nắm bắt cơ hội từ tốc độ đô thị hóa nhanh, có thể thấy rõ ở việc thành lập 3 thành phố lớn gần đây ở khu Đông Sài Gòn là Dĩ An, Thuận An và Thủ Đức. Bên cạnh đó, các công trình giao thông hạ tầng trọng điểm quốc gia liên tục được đầu tư, như tuyến đường vành đai 3 và 4, tuyến metro Suối Tiên - Bến Thành, mở rộng Quốc lộ 13… Tất cả những yếu tố này kéo theo sự phát triển đồng bộ về dịch vụ, giải trí và đặc biệt là nhu cầu nhà ở chất lượng, biến Bình Dương thành vùng trũng thu hút vốn đầu tư và người lao động, chuyên gia nước ngoài”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.

Đánh giá về triển vọng thị trường, đại diện TBS Group cho rằng, bất động sản công nghiệp tại Việt Nam trong giai đoạn 10 năm tiếp theo sẽ là thị trường hấp dẫn với nhà đầu tư.

Nguyên nhân đầu tiên nằm ở dòng vốn đầu tư vô cùng tích cực, cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư trong nước. Báo cáo của Tổng cục Thống Kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong quý I/2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,42 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

Trong thời gian này, đã thu hút nhiều dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài như nhà máy gần 136 triệu USD của Coca Cola và Khu công nghiệp Phú An Thạnh (Long An), bên cạnh các tập đoàn lớn của Mỹ và châu Âu đang tìm kiếm cơ hội gia nhập thị trường Việt Nam.

Tại thị trường trong nước, các khu công nghiệp đang dần phục hồi sau dịch, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương và sự trở lại của các thị trường quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông. Trong khi đó, Bình Dương là tỉnh thường xuyên nằm trong tốp đầu về xuất khẩu. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Bình Dương đạt 9,07 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là tại nhiều địa phương, chính quyền đã đẩy mạnh cấp phép trong ngày nhằm thực hiện mục tiêu cải thiện thủ tục đầu tư. Tuy vẫn còn nhiều vướng mắc cần xóa bỏ, nhưng đây là một bước tiến lớn, tạo triển vọng cho thị trường.

Cụ thể, bài toán cần giải quyết đầu tiên là thủ tục hành chính. Cần tiếp tục đơn giản hóa quy định về giấy tờ, đẩy mạnh hình thức online đối với một số công đoạn giấy tờ để tăng tốc độ cấp phép.

Tiếp đó, tăng tốc giải ngân và tiến độ các dự án hạ tầng giao thông huyết mạch, liên tỉnh, giải quyết nút thắt cổ chai về giao thông để giải quyết bài toán về logistics cho nhà đầu tư, qua đó tạo lợi thế cạnh tranh.

Hạ tầng xã hội như nhà ở cho người lao động và chuyên gia nước ngoài cũng cần được chú trọng đầu tư đồng bộ, chất lượng. Bên cạnh đó, đầu tư các công trình tiện ích, giải trí, như văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại nhằm tạo dựng một khu đô thị quy mô để thu hút nguồn nhân lực tay nghề cao đến ở và làm việc lâu dài, hỗ trợ trực tiếp cho ngành bất động sản công nghiệp.

Chủ tịch TBS Group Nguyễn Đức Thuấn: Mở rộng đầu tư phải xuất phát từ một tầm nhìn chung
Với ước muốn chinh phục những đỉnh cao mới mà các công ty và quốc gia tiên tiến đã làm được, TBS Group đột phá trong ngành sản xuất thời trang,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư