Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 01 năm 2025,
TCT Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí: Sự lưu lạc của dòng tiền
Chí Tín - 07/01/2019 14:27
 
Bức tranh kinh doanh của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm Dầu khí - DMC (mã PVC, sàn HNX) không mấy sáng sủa, nhưng dòng tiền đổ về năm 2018 khá dồi dào có thể được coi là cứu cánh giúp doanh nghiệp này thoát lầy trong giai đoạn khó khăn.

Nhức nhối công nợ

Doanh thu lũy kế 9 tháng năm 2018 của DMC chỉ đạt 1.691 tỷ đồng, giảm 38,7% so với cùng kỳ năm 2017. Lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm 2018 là âm 14,6 tỷ đồng (trái ngược với kết quả lãi 12,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước đó). Vài con số này cho thấy, hoạt động kinh doanh của DMC đang gặp nhiều khó khăn.

DMC chuyên cung cấp các hóa chất và dịch vụ kỹ thuật dầu khí như dung dịch khoan, xử lý giếng khoan, các hóa chất phục vụ thăm dò, vận chuyển, chế biến dầu khí.
DMC chuyên cung cấp các hóa chất và dịch vụ kỹ thuật dầu khí như dung dịch khoan, xử lý giếng khoan, các hóa chất phục vụ thăm dò, vận chuyển, chế biến dầu khí.

Ngoài những lý do khách quan từ khó khăn chung của ngành dầu khí trong những năm gần đây, thì hoạt động tài chính của DMC kém hiệu quả từ các năm trước cũng đang tiếp tục ảnh hưởng sang giai đoạn hiện tại. Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm của DMC thời gian qua là việc quản lý các khoản nợ phải thu khá lỏng lẻo, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2017. Điều này làm phát sinh chi phí tài chính, dẫn đến suy giảm hiệu quả kinh doanh, thậm chí nhiều khoản nợ trở thành nợ khó đòi có nguy cơ mất vốn.

Nhìn vào tình hình các khoản nợ phải thu của DMC trong các năm qua, có thể thấy, Công ty duy trì khá ổn định chỉ số này trong vòng 3 năm từ năm 2013 đến 2015 và bắt đầu có tín hiệu tăng vọt từ năm 2016 đến 2017. Theo đó, nợ phải thu tăng nhẹ trong năm 2014, sau đó giảm nhẹ trong năm 2015, nhưng năm 2016 đã tăng tới 52,4% và tăng tiếp 13,6% trong năm 2017. Đi cùng với việc tăng mạnh các khoản nợ phải thu từ năm 2016, thì các khoản nợ phải thu ngắn hạn khó đòi cũng đã tăng mạnh (tăng tới 120% trong năm 2016 và tăng tiếp 41,3% trong năm 2017).

Điểm nhấn đáng chú ý diễn ra trong năm 2016 là, trong khi công nợ phải thu tăng, thì doanh thu sụt giảm 15%. Năm 2017, doanh thu bán hàng đã có cải thiện hơn, nhưng tốc độ tăng doanh thu trong năm này chỉ là 8,31% - vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng của nợ phải thu ngắn hạn (13,55%).

“Tiêu hao” chi phí tài chính

Hệ số vòng quay nợ phải thu là thước đo phản ánh tốc độ biến đổi các khoản phải thu thành tiền mặt. Theo công thức, hệ số vòng quay nợ phải thu được tính bằng cách lấy doanh thu bán hàng chia cho số nợ phải thu bình quân trong kỳ. Đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong công tác thu hồi nợ. Hệ số vòng quay các khoản phải thu càng lớn chứng tỏ tốc độ thu hồi nợ của doanh nghiệp càng nhanh, khả năng chuyển đổi các khoản nợ phải thu sang tiền mặt cao, giúp doanh nghiệp tăng luồng tiền mặt, tạo ra sự chủ động trong việc tài trợ nguồn vốn lưu động trong sản xuất.

Thay nhân sự cao cấp, đặt kế hoạch doanh thu 2019 dưới 2.000 tỷ đồng:

Tháng 12/2018, DMC đã bổ nhiệm ông Hoàng Trọng Dũng làm Tổng giám đốc, thay ông Tôn Anh Thi.

Tổng kết năm 2018, DMC ước tính doanh thu hợp nhất đạt 2.378,4 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 5,9 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 102 tỷ đồng.

Năm 2019, DMC kỳ vọng cán mốc tổng sản lượng sản xuất 15.350 tấn sản phẩm, doanh thu 1.962 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 3,7 tỷ động, nộp ngân sách nhà nước 77 tỷ đồng.

Trong trường hợp cụ thể của DMC, trong giai đoạn 2014 - 2017, hệ số vòng quay các khoản phải thu của Công ty càng ngày càng giảm. Hệ số này của DMC đã giảm từ 6,48 lần năm 2014 xuống 5,22 lần năm 2015, giảm tiếp xuống 3,83 lần vào năm 2016 và còn 3,22 lần trong năm 2017.

Hệ số vòng quay các khoản phải thu ngày càng thấp trong giai đoạn 2014 - 2017 cho thấy, tiền của doanh nghiệp bị chiếm dụng ngày càng nhiều, lượng tiền mặt ngày càng giảm, ảnh hưởng tới sự chủ động về vốn lưu động trong sản xuất. Điều đáng chú ý là, trong khi chưa thể đòi tiền về để quay vòng vốn, thì doanh nghiệp vẫn phải đi vay ngân hàng để phục vụ các hoạt động kinh doanh, dẫn đến tăng chi phí tài chính.

Đối với DMC, áp lực vay nợ ngân hàng bắt đầu gia tăng mạnh từ khoảng năm 2016. Cụ thể, số dư vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã tăng mạnh từ 330 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015 lên mức 505 tỷ đồng vào cuối năm 2016, sau đó tiếp tục tăng lên 649,5 tỷ đồng vào cuối năm 2017.

Ngoài ra, các con số cụ thể về các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tăng lên nhanh trong thời gian từ năm 2015 đến 2017 là minh chứng rất rõ cho những rủi ro của việc chậm thu nợ trong giai đoạn này.

Dòng tiền “túc tắc” về

Sau khi các chỉ số về công nợ bị đẩy lên mức cao nhất tại thời điểm cuối năm 2017, thì bước sang năm 2018, DMC đã tỏ ra khá mạnh tay trong hoạt động thu nợ và điều này đã giúp khơi thông phần nào dòng tiền.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Phong Danh, chuyên gia phân tích tài chính thuộc Công ty cổ phần Chứng khoán KIS cho biết, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam vẫn chưa hồi phục, nên hoạt động sản xuất cốt lõi của DMC vẫn khó khăn (lợi nhuận gộp 9 tháng đầu năm 2018 chỉ đạt 129 tỷ đồng, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm trước đó). Tuy nhiên, việc thu hồi công nợ từ khách hàng trong 9 tháng đầu năm qua của DMC khá thuận lợi, khiến dòng tiền của doanh nghiệp cải thiện rất tốt. Lưu chuyển tiền thuần phục vụ hoạt động kinh doanh đạt 286 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2017 (âm 47 tỷ đồng).

Theo báo cáo tài chính quý III/2018, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng tại thời điểm 30/9/2018 chỉ còn 859 tỷ đồng, giảm 21,6% so với đầu năm. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng đã xuống mức hơn 62 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong các khoản phải thu tại thời điểm ngày 30/9/2018, đáng chú ý nhất là khoản phải thu có giá trị tới 518,5 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần Nhựa Opec. Trong khi đó, một đối tác từng có số nợ cao khác là Petrochina International Co Ltd đã được DMC giải quyết khá suôn sẻ trong năm 2018.

Dù nợ khó đòi giảm trong năm 2018, nhưng DMC sẽ vẫn còn đau đầu với một số khoản thu có khả năng không thể thu hồi. Tại thời điểm 30/9/2018, một số khoản nợ khó đòi có khả năng mất toàn bộ vốn có thể điểm danh gồm: khoản nợ 3,6 tỷ của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Khang Minh, khoản nợ 2,7 tỷ của Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Hà Nội, khoản nợ 5,49 tỷ đồng của Công ty TNHH Phúc An, khoản 1,9 tỷ đồng của Công ty cổ phần Bất động sản Dầu khí, khoản 718 triệu đồng của Công ty Hóa chất Nhựa Đà Nẵng.

Ngoài ra, nhiều khoản nợ khác có khả năng mất một phần, nhưng tỷ lệ có khả năng thu hồi cũng rất thấp. Tổng giá trị gốc của các khoản phải thu này lên tới 61,7 tỷ đồng, nhưng giá trị có khả năng thu hồi chỉ gần 14 tỷ đồng.

Ngoài hoạt động thu nợ, hoạt động đầu tư cũng phần nào hỗ trợ dòng tiền cho Công ty trong năm 2018, với dòng tiền thuần đạt mức dương 7 tỷ đồng. Số tiền thặng dư này tuy không nhiều, nhưng cũng đã cho thấy tín hiệu chặn đà thâm hụt đã diễn ra trong năm 2017 (dòng tiền thuần trong hoạt động đầu tư bị âm 61 tỷ đồng).

Trong năm 2018, một số hoạt động đầu tư có góp phần cải thiện dòng tiền là việc thoái vốn tại công ty con để thu hồi 8,7 tỷ đồng (năm 2017 không có khoản thu này) và tiền thu lãi cho vay, cổ tức hơn 10 tỷ đồng (năm 2017 chỉ thu gần 5,7 tỷ đồng).

Việc thu xếp tốt dòng tiền trong 9 tháng đầu năm 2018 đã giúp doanh nghiệp này giảm bớt rõ rệt gánh nặng vay ngân hàng. Số dư vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/9/2018 chỉ còn 493 tỷ đồng, giảm 22,5% so với đầu năm; vay và nợ thuê tài chính dài hạn cũng giảm từ 7,9 tỷ đồng hồi đầu năm, xuống còn 7,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, những con số này chỉ được xem là sự cải thiện bước đầu, bởi lẽ, mức nợ vay tài chính này chỉ tương đương với thời điểm cuối năm 2016 và cao hơn gấp tới 1,5 lần so với cuối năm 2015.

Giá cổ phiếu PVC giảm sâu, DMC ăn dần vốn chủ sở hữu
Việc cổ phiếu PVC của Tổng công ty Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí - DMC (mã PVC, sàn HNX) giảm sâu đang là thách thức lớn đối với doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư