Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thách thức với kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu của DIC Corp
Duy Bắc - 13/12/2022 12:06
 
Việc không giữ lời hứa với cổ đông, cũng như kế hoạch giải ngân đầu tư chậm đang là thách thức đối với kế hoạch gọi vốn của Tổng CTCP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp, mã chứng khoán DIG).

Sau năm 2021 thăng hoa của cổ phiếu DIG và thu hút được số lượng nhà đầu tư tham gia kỷ lục, bước sang năm 2022, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của DIC Corp liên tục giảm sở hữu, đồng thời giá cổ phiếu lao dốc.

Được biết, từ ngày 21/7/2021 đến ngày 11/1/2022, cổ phiếu DIG tăng 4,45 lần, từ 18.030 đồng lên 98.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ ngày 11/1/2022 đến ngày 15/11/2022 đã giảm 9,7 lần về 10.100 đồng/cổ phiếu và sau đó, từ ngày 15/11 đến ngày 8/12/2022, cổ phiếu DIG hồi phục tăng 76,7% lên 17.850 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn đang giảm tới 5,5 lần so với đỉnh ngày 11/1/2022.

Thời điểm cổ phiếu DIG đạt đỉnh, nhóm cổ đông lớn cũng liên tục giảm sở hữu. Cụ thể, đầu năm DIC Corp có 4 cổ đông lớn gồm ông Nguyễn Thiện Tuấn (Chủ tịch HĐQT), ông Nguyễn Hùng Cường (Phó chủ tịch HĐQT), CTCP Đầu tư phát triển Thiên Tân (Công ty Thiên Tân) và CTCP Kinh doanh địa ốc Him Lam sở hữu tổng cộng 48,99% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, tính tới đầu tháng 12/2022, DIC Corp chỉ còn 3 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thiện Tuấn, ông Nguyễn Hùng Cường và Công ty Thiên Tân sở hữu 28,32% vốn điều lệ, giảm 20,67% vốn điều lệ so với đầu năm.

Được biết, với 609,85 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính nhóm cổ đông lớn đã bán 126,1 triệu cổ phiếu ra bên ngoài cho cổ đông nhỏ lẻ.

Điểm đáng lưu ý, một phần nhóm cổ đông Thiên Tân và Địa ốc Him Lam chủ động bán ra giảm sở hữu từ đầu năm và một phần các cổ đông thuộc sở hữu của gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và Thiên Tân bị bán giải chấp.

Thống kê từ ngày 4/11 đến 16/11, gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp tới 31.858.450 cổ phiếu DIG, tương ứng 5,22% vốn điều lệ. Trong đó, thời điểm bán giải chấp, cổ phiếu DIG giao dịch vùng từ 16.600 đồng về 10.800 đồng/cổ phiếu.

Thêm nữa, trong 2 ngày 27/10 và ngày 10/11, cổ đông là Công ty Thiên Tân bị bán giải chấp hơn 10 triệu cổ phiếu DIG.

Trong năm 2020, DIC Corp ghi nhận khoản phải thu khách hàng ngắn hạn là 59 tỷ đồng và phải thu khác dài hạn 1.298,2 tỷ đồng liên quan tới Công ty Thiên Tân. Tính tới 30/9/2022, DIC Corp tiếp tục ghi nhận 1.298,2 tỷ đồng phải thu dài hạn đối với Công ty Thiên Tân. Trong đó, DIC Corp chỉ thuyết minh phải thu dài hạn là các khoản tiền góp vốn để hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Đức Hòa III - Resco và Công ty Thiên Tân theo hợp đồng ký ngày 30/11/2020.

Một chi tiết ít ai để ý, tại thời điểm tháng 10/2020, bà Lê Thị Hà Thành, vợ Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn từng là Chủ tịch HĐQT Thiên Tân, trong khi đó, các con ông Tuấn là Nguyễn Hùng Cường và Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng nắm vị trí Thành viên HĐQT công ty này. Dù vậy, các cá nhân kể trên sau đó không lâu đã rời khỏi các vị trí cấp cao ở Thiên Tân.

Có thể thấy, ngoài Địa ốc Him Lam, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn và Công ty Thiên Tân đã liên tục bị bán giải chấp, giảm sở hữu trong gần 12 tháng qua.

Mặc dù cổ đông và Ban lãnh đạo vừa bị bán giải chấp khi giá cổ phiếu về gần mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu), nhưng mới đây DIC Corp tiếp tục thông qua kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.500 tỷ đồng, thời gian triển khai dự kiến trong quý I/2023.

Toàn bộ số tiền 1.500 tỷ đồng huy động được sẽ được Công ty sử dụng để đầu tư vào Dự án Khu đô thị du lịch Long Tân. Trong đó, 780 tỷ đồng là chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng; 250 tỷ đồng chi phí xây lắp; 220 tỷ đồng lãi trái phiếu; 200 tỷ đồng tiền sử dụng đất, còn lại  là chi phí tư vấn.

Trong nhiều năm trở lại đây, DIC Corp liên tục đặt kế hoạch giải ngân vốn đầu tư lớn, nhưng tỷ lệ đầu tư thực tế không cao. Cụ thể, năm 2019 tỷ lệ giải ngân là 34,2%; năm 2020 là 42,8%; năm 2021 là 32,1% và 6 tháng đầu năm 2022 mới đạt 11,4%.

Lý do được DIC Corp đưa ra trong nhiều năm là do khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án trọng điểm như Khu trung tâm Chí Linh, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu, Khu đô thị du lịch Long Tân…

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ giải phóng mặt bằng tại các dự án này đạt thấp, chẳng hạn Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu đạt 11,55/90,5 ha; Khu đô thị du lịch Long Tân đạt 156,15/331,9 ha…

Có thể thấy, việc giải ngân đầu tư chậm, cộng với giá đất liên tục tăng đã đẩy tổng vốn đầu tư các dự án tăng nhanh. Đây là lý do khiến DIC Corp phải liên tục huy động thêm vốn, từ việc phát hành cổ phiếu đến tăng vay nợ, để bổ sung nguồn tiền triển khai các dự án.

Với việc dòng vốn đang bị siết, kênh trái phiếu gặp khó, DIC Corp phải mua lại 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tổng 3.500 tỷ đồng trái phiếu. Thêm việc các dự án chậm triển khai, đội vốn, thì kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu của DIC Corp đang gặp thách thức lớn.

Sau mua lại trái phiếu trước hạn, DIC Corp muốn huy động vốn cổ đông để trả lãi trái phiếu
Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, mã DIG) chuẩn bị huy động 1.500 tỷ đồng từ cổ đông, số tiền này sẽ được sử dụng đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư