Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thái Bình đầu tư cấp nước sạch cho gần 1 triệu dân
Mạnh Tùng - 24/06/2014 13:33
 
() Chỉ sau gần 2 năm ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư, Thái Bình đã thu hút được 20 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 23 công trình cung cấp nước sạch cho 137 xã, với gần 1 triệu người dân. Với đà này, tỉnh phấn đấu đến hết năm 2015, tất cả các xã trên địa bàn được cung cấp nước sạch. 
TIN LIÊN QUAN

16 năm đầu tư cung cấp nước sạch

Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ năm 1998 đến tháng 4/2014, tỉnh Thái Bình đã đầu tư 152,573 tỷ  đồng xây dựng 46 công trình, có tổng công suất 20.520 m3 nước/ngày đêm. Trong đó, 33 công trình đang hoạt động cấp nước sạch cho 37 xã, 2 trường học và 1 bệnh viện.

  Thái Bình đầu tư cấp nước sạch cho gần 1 triệu dân  
 

Nhà máy nước do Công ty Đỗ Gia Bảo đầu tư cấp nước sạch cho 6 xã thuộc huyện Đông Hưng (Thái Bình)

 

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), tính đến tháng 4/2014, toàn tỉnh đã hoàn thành 20 công trình, với tổng công suất 24.700 m3 nước/ngày đêm, tổng vốn đầu  tư trên 463 tỷ đồng, cung cấp nước sạch cho 50 xã, thuộc 7 huyện.

Tuy nhiên, các công trình này có quy mô nhỏ lại sử dụng nguồn nước nhiễm mặn và nhiễm sắt, nên chất lượng, hiệu quả cấp nước chưa cao, tỷ lệ thất thoát nước lớn (khoảng 25%).

Bên cạnh đó, từ năm 2000 đến 2011, các doanh nghiệp đã đầu tư 4 công trình phục vụ cấp nước sạch cho 6.880 hộ dân, đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính bền vững, 9 công trình nước sạch được đầu tư từ nguồn vốn đề tài khoa học của các bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng... Trong đó, 3 công trình đang hoạt động, nhưng hiệu quả chưa cao do gặp khó khăn về nguồn nước, 4 công trình ngừng hoạt động do không bố trí được kinh phí sửa chữa và 1 công trình đang xây dựng.

Hiệu quả từ một cơ chế đúng

Trước tình hình cung cấp nước sạch chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng của người dân, đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ngày 2/8/2012, thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 12/2012/QĐ-UBND về chính sách khuyến khích đầu tư và quản lý khai thác công trình cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2012 - 2015.

Sau gần 2 năm ra đời và đi vào cuộc sống, cơ chế này đã khẳng định tính đúng đắn, thu hút được 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng 23 công trình nước sạch, với tổng công suất 138.350 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 1.384,311 tỷ đồng, cấp nước cho gần 1 triệu dân của 137 xã khu vực nông thôn.

Đến nay, đã có 1 công trình đi vào hoạt động, 3 công trình mở rộng đã cơ bản hoàn thành, 10 công trình đang xây dựng, trong đó có một số dự kiến cấp nước ngay trong năm 2014, 9 công trình đang triển khai các thủ tục đầu tư. Hiện các nhà đầu tư đang tích cực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến năm 2015, tất cả các công trình được đưa vào hoạt động. 

Tập trung vào 3 giải pháp lớn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành mục tiêu 100% xã trên địa bàn có nước sạch, Thái Bình đang tập trung hoàn thành vào các giải pháp cơ  bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác, kinh doanh các công trình nước sạch nông thôn để thu hút các doanh nghiệp, người dân tham gia;

Thứ hai, thực hiện tái cấu trúc đầu tư đối với công trình cấp nước đã và đang xây dựng bằng nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn vốn vay WB, bằng cách chuyển đổi mô hình quản lý theo hướng chuyển giao cho doanh nghiệp ngoài Nhà nước tiếp nhận và khai thác để phát huy hiệu quả đầu tư cũng như chất lượng sản phẩm;

Thứ ba, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đê điều, khai thác nước mặt và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thi công các công trình nước sạch.

Ông Trần Xuân Thành, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Bình cho biết, Chương trình Nước sạch nông thôn của Thái Bình đã thu hút được các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, từng bước hình thành thị trường kinh doanh nước sạch ở khu vực nông thôn; thu hút đông đảo các hộ dân tham gia, cam kết sử dụng nước sạch, thay đổi thói quen dùng nước mưa, giếng khoan. Đặc biệt, các hộ nghèo cũng dần được tiếp cận nguồn nước sạch; từ đó, chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn được cải thiện, sức khỏe được nâng cao, góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình cấp nước nông thôn ở nông thôn ngày càng được khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư