Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thái Nguyên: Linh hoạt trong xuất khẩu hàng hóa
Dương Văn (baothainguyen) - 08/07/2021 08:49
 
Các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu luôn chủ động, linh hoạt tìm kiếm các thị trường thuận lợi, nhất là những quốc gia, vùng lãnh thổ đã từng bước kiểm soát được dịch COVID-19.
6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh đạt 2,8 triệu USD. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Phụ tùng máy số I. Ảnh: M.H
6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sản phẩm phụ tùng ô tô, xe máy trên địa bàn tỉnh đạt 2,8 triệu USD. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng xe máy tại Công ty CP Phụ tùng máy số I. Ảnh: M.H

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, nhất là nhóm hàng linh kiện điện tử, điện thoại thông minh, may mặc... Riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, bằng 47,7% kế hoạch năm. Nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đóng vai trò trụ cột trong xuất khẩu của tỉnh khi chiếm trên 90% giá trị và tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các DN xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp để duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đơn cử như Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT) đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để phòng, chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt.

Dịch COVID-19 liên tục bùng phát ở các địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới nên việc xuất khẩu hàng hóa khó khăn là tất yếu. Nhưng đối với tỉnh Thái Nguyên kết quả đạt được vẫn rất ấn tượng. Dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh sẽ tăng mạnh hơn khi nhiều doanh nghiệp FDI chính thức đi vào sản xuất từ quý III”.

Ông Nguyễn Văn Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải Thái Nguyên (Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh)

Trong quá trình sản xuất, SEVT đã sắp xếp ca, kíp phù hợp để người lao động được bảo đảm việc làm; việc đưa đón chuyên gia từ Hàn Quốc sang Việt Nam để giải quyết các vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn đảm bảo chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Do vậy, toàn bộ quá trình sản xuất, xuất khẩu của SEVT không bị gián đoạn, giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh về xuất khẩu.

Phát biểu tại buổi lễ mừng công cán mốc 700 triệu sản phẩm, ông Lee Byeong Kuk, Tổng Giám đốc SEVT cho biết: Dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội và tạo ra nhiều khó khăn cho các DN. Tuy nhiên, bằng tinh thần đoàn kết và thực hiện nghiêm ngặt những biện pháp phòng, chống dịch, tỉnh Thái Nguyên đã kiểm soát tốt tình hình. SEVT rất vui mừng khi cán mốc 700 triệu sản phẩm...

Dẫn đầu nhóm DN xuất khẩu các sản phẩm may mặc trên địa bàn tỉnh vẫn là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG. Thời gian đầu dịch COVID-19 bùng phát, Công ty bị gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu và xuất khẩu giảm do một số thị trường chưa kiểm soát được dịch bệnh. Để trụ vững, TNG đã chủ động chuyển sang sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, đồng thời duy trì sản xuất, tạo việc làm cho hơn 10 nghìn công nhân.

Đến nay, bình quân mỗi ngày, TNG sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 100 nghìn chiếc khẩu trang y tế. Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thông tin: Đơn vị sản xuất thêm các sản phẩm phòng, chống dịch nhằm đạt được cả 3 mục tiêu là chung tay phòng, chống dịch bệnh; giải quyết việc làm cho người lao động và đảm bảo doanh thu. Các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 của Công ty được công nhận đạt chuẩn châu Âu nên lượng đơn hàng xuất khẩu lớn. 

Mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh Thái Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn là nhóm sản phẩm điện thoại, máy tính bảng và linh kiện điện tử (đạt 12,8 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ, bằng 46,5% kế hoạch năm); giấy và các sản phẩm từ giấy (đạt 1,9 triệu USD, tăng 21,4%, bằng 55,4% kế hoạch năm); sản phẩm may (đạt 191,4 triệu USD, tăng 9,7%, bằng 58% kế hoạch năm).

Một số DN xuất khẩu khác trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện tốt công tác nắm bắt thông tin, xúc tiến thương mại nên ngay khi dịch COVID-19 ở một số quốc gia từng bước được kiểm soát, các đơn vị đã nhanh chóng kết nối và ổn định xuất khẩu. Đơn cử như Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo ở huyện Đại Từ có hơn 1.000 cán bộ, công nhân và chuyên gia, chuyên khai thác, chế biến, chuyên xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như vonfram, florit, bismut sang Mỹ, Ấn Độ và các nước châu Âu, với tổng doanh thu hằng năm đạt khoảng 300 triệu USD.

Do một số thị trường chưa kiểm soát được dịch COVID-19 dẫn đến việc xuất khẩu gặp khó khăn nên Công ty đã chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, đàm phán với đối tác để xuất khẩu lượng lớn tinh quặng đồng tồn kho để tạo ra dòng tiền phục vụ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước...

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương nói: Ngành Công Thương đã tham mưu để UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng với các DN xuất khẩu nỗ lực vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây ra. Đồng thời, tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tới đây, chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn cho các DN về những nội dung liên quan đến Hiệp định EVFTA; xin ý kiến của các sở, ngành liên quan để tham mưu với tỉnh về chương trình hỗ trợ các DN trong việc tiếp cận Hiệp định, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu trên địa bàn... 

Thái Nguyên: Thành phố Sông Công bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng trên 500ha
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn được T.P Sông Công quan tâm thực hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư