Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Thái Nguyên nỗ lực cải thiện PCI
Minh Anh - 02/04/2013 07:13
 
Trong năm 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thái Nguyên đã tăng tới 40 bậc so với năm 2011. Đứng ở vị trí thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Thái Nguyên đề ra mục tiêu trụ lại ở Top 20 trong năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Thăng hạng rõ rệt

Các kết quả kinh tế - xã hội mà Thái Nguyên đạt được trong thời gian qua, nhất là sự tăng trưởng kinh tế cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa bàn đã phần nào chứng minh cho sự “thăng hạng” ấy.

Năm 2012, tổng sản phẩm quốc nội của Thái Nguyên đạt trên 29.500 tỷ đồng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu ngân sách đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp tại Thái Nguyên có vinh dự được đón Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đến thăm

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên, tỉnh hiện có khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN), với số vốn đăng ký khoảng 24.000 tỷ đồng. Hàng năm, 20% số DN sản xuất - kinh doanh đăng ký tăng vốn điều lệ, mở rộng sản xuất - kinh doanh.

Tính đến ngày 31/12/2012, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 600 dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chấp thuận đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 200.000 tỷ đồng. Nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau thời gian hoạt động đã tăng vốn, như Dự án Công ty TNHH MaNi tăng vốn đầu tư thêm 15 triệu USD; Dự án Nhà máy May công nghiệp của Công ty Shin Won (Hàn Quốc) tăng khoảng 10 triệu USD...

Đáng chú ý là, các dự án đầu tư khá đa đạng, vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến sâu khoáng sản... Các dự án đầu tư vào dịch vụ, thương mại và du lịch cũng tăng đáng kể so với giai đoạn trước.

Sự kiện nổi bật gần đây nhất là, Dự án Tổ hợp công nghệ cao của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) tại Thái Nguyên vừa được khởi công, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 2 tỷ USD. Sự kiện này đã đánh dấu bước nhảy vọt của Thái Nguyên trong việc thu hút vốn FDI vào địa phương và tiếp tục minh chứng cho sự hấp dẫn của tỉnh có nhiều cơ hội đầu tư này.

Mục tiêu năm 2013: duy trì PCI ở Top 20

Tại Hội nghị “Triển khai Kế hoạch hoạt động nâng cao PCI năm 2013” tại Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh đã đánh giá cao sự đóng góp của các DN và khẳng định, chính sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị… đã tạo nên sức mạnh để Thái Nguyên có bước tiến vượt bậc trong xếp hạng PCI.

Thái Nguyên cũng đã tổng kết, rút ra được nhiều kinh nghiệm nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì vị trí trong nhóm 20 tỉnh, thành phố đứng đầu trong toàn quốc về xếp hạng PCI, đồng thời, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013.

Nhiều giải pháp đồng bộ đã, đang và sẽ được tỉnh tiếp tục triển khai, trong đó có việc thực hiện phương châm “Ba thân thiện” (thân thiện với DN, thân thiện với nông dân và thân thiện với môi trường). Đặc biệt, Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh sẽ đi sâu, đi sát trong việc triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó có việc nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trong quá trình tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp và người dân; kiểm tra, rà soát thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực và cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông” theo hướng công khai, minh bạch và hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng trang thông tin các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã... nhằm phục vụ tốt nhu cầu của DN và nhân dân.

Các sở, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ để giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn; hỗ trợ DN trong tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường...

Lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên đã bày tỏ rõ quan điểm: khó khăn của DN cũng là khó khăn chung của tỉnh và việc tháo gỡ khó khăn cho DN chính là giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Chính vì vậy, ngoài việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao PCI, trong năm 2013, tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành rà soát nợ đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình đình hoãn, dãn tiến độ; cắt giảm dự án đầu tư chưa cần thiết để điều chỉnh vốn cho những dự án thực sự cấp bách. Mặt khác, sau khi tiếp thu kiến nghị của DN, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm những vướng mắc của DN trong thời gian sớm nhất... Các sở, ngành của tỉnh bám sát để đảm bảo các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm của tỉnh triển khai đúng tiến độ; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận những nguồn vốn vay phục vụ sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đầu tư trên địa bàn...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư