Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tham vọng lớn của Thế giới Di động
Hồng Phúc - 31/10/2021 09:16
 
Thế giới Di động đặt tham vọng thu về khoảng 700 triệu USD từ các sản phẩm mang thương hiệu “quả táo khuyết” tính đến cuối năm 2022 thông qua chuỗi cửa hàng TopZone vừa ra mắt.
TopZone của Thế giới Di động khai trương khiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ các sản phẩm của Apple thêm nóng bỏng
TopZone của Thế giới Di động khai trương khiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ các sản phẩm của Apple thêm nóng bỏng

Nóng bỏng cạnh tranh

Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa đồng loạt khai trương 4 cửa hàng TopZone tại TP.HCM và Hà Nội, theo mô hình cửa hàng chuyên biệt chỉ bày bán các sản phẩm của Apple (Mono brand).

Apple quy định 2 phiên bản cho Mono brand là AAR (Apple Authorized Reseller) có diện tích nhỏ, khoảng 100 - 120 m2 và APR (Apple Premium Reseller) có diện tích từ 180 - 220 m2.

Về hình thức cửa hàng, cứ 2 năm một lần, Apple sẽ nâng cấp phiên bản ủy quyền của mình và TopZone được cho là phiên bản ủy quyền được nâng cấp mới nhất trên thế giới hiện nay.

Tại Việt Nam, Thế giới Di động không phải doanh nghiệp duy nhất mà Apple hợp tác, ủy quyền để mở cửa hàng cấp độ AAR hoặc APR. Gần đây nhất, vào cuối tháng 9/2021, Minh Tuấn Mobile đã hợp tác với Apple để trở thành đại lý ủy quyền chính thức triển khai mở cửa hàng AAR. Đây là hệ thống phân phối được thành lập từ năm 2003.

Thị trường điện thoại, điện máy Việt Nam dần bão hoà. Khi đã chiếm trọn 50% thị phần điện thoại, điện máy tại Việt Nam, Thế giới Di động buộc phải nhảy vào bán lẻ ngành hàng khác và mở chuỗi Bách hoá xanh hay TopZone là những ví dụ. Nhưng những mục tiêu tham vọng có thể trở thành hiện thực hay không, sẽ cần thêm thời gian để trả lời. Bởi, sau 6 năm triển khai, đến nay Bách hoá xanh vẫn chưa có lãi và chưa đạt nhiều kỳ vọng ban đầu. Hay với chuỗi bán lẻ, Thế giới Di động từng phải đóng chuỗi 17 cửa hàng điện thoại siêu rẻ sau gần 1 năm triển khai.

Còn xét ở tầm chuỗi bán lẻ, đối thủ cạnh tranh trực diện với TopZone của Thế giới Di động là F.Studio của Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số FPT, eDiGi của Tập đoàn Imex Pan Pacific, Future World, iCenter…

Trong đó, F.Studio và eDiGi là các đối thủ đang áp dụng mô hình AAR và APR, nhưng cả hai đều chưa tăng số lượng cửa hàng như kỳ vọng được đặt ra ban đầu. Lãnh đạo FPT Retail từng đưa ra các kế hoạch tham vọng tương tự Thế giới Di động ở thời điểm này, với mục tiêu mở 100 cửa hàng F.Studio đến cuối năm 2020, song thực tế, sau 9 năm ra đời, F.Studio chỉ có 15 cửa hàng trên toàn quốc.

Còn với eDiGi, sau 3 năm cửa hàng đầu tiên theo mô hình APR được ra đời tại TP.HCM, Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPP) vẫn chưa mở thêm cửa hàng nào khác. Khi đó, ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPP khẳng định, sẽ không ồ ạt mở mới cửa hàng, nhưng eDiGi sẽ phủ sóng thương hiệu Apple tại Việt Nam và nhắm đến khoảng 40% thị phần thị trường các sản phẩm Apple đang được phân mảnh ở kênh xách tay. Đến nay, tham vọng này vẫn chưa thành hiện thực.

Mục tiêu doanh số 700 triệu USD

Lần đầu tiên mở chuỗi cửa hàng chuyên bán các sản phẩm trong hệ sinh thái của Apple, Thế giới Di động đặt mục tiêu, đến hết tháng 3/2021 sẽ mở 50 cửa hàng TopZone AAR và 10 cửa hàng APR. Đồng thời, một phần nhờ đặc thù kinh doanh sản phẩm giá cao, doanh thu dự kiến cho mỗi cửa hàng AAR là 2-3 tỷ đồng/tháng và 8-10 tỷ đồng/tháng với APR.

Thế giới Di động đã phân phối các sản phẩm của Apple tại cửa hàng Thế giới Di động, Điện máy xanh từ hơn 10 năm nay. Khi có thêm TopZone, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Thế giới Di động dự tính đến năm 2022, các sản phẩm mang thương hiệu Apple (iPhone, iPad, Macbook, phụ kiện…) sẽ đem về doanh số khoảng 700 triệu USD cho Tập đoàn, chiếm khoảng 35% thị phần.

“Đợt này, chúng tôi lấy về khoảng 25.000 chiếc iPhone 13, trong khi cộng dồn các nhà bán lẻ khác chưa tới 10.000 chiếc. Đó là sự khác biệt và chúng tôi có được ưu tiên từ Apple”, ông Hiểu Em nói.

Sự xuất hiện của TopZone càng khiến cạnh tranh trên thị trường bán lẻ các sản phẩm Apple tại Việt Nam trở nên sôi động. Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, đại diện FPT Retail cho biết, trong quý III/2021, nhóm sản phẩm Apple chiếm 25% tổng doanh thu mảng ICT của Công ty và dự tính trong quý cuối năm, con số này sẽ là 40%. 

“Thị trường Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, minh chứng là sự tăng trưởng của Apple luôn đạt 2 con số mỗi năm từ hệ thống FPT Shop và F.Studio, nên việc có thêm người tham gia chúng tôi không bất ngờ. Để xây dựng hình ảnh điểm đến mua sắm và trải nghiệm hệ sinh thái sản phẩm Apple, chúng tôi không chỉ dựa trên hệ thống cửa hàng thương hiệu riêng với Apple là F.Studio, mà luôn mang đến trải nghiệm chuẩn Apple tại tất cả FPT Shop trên toàn quốc và sẽ có những phương án mới trong tương lai gần”, đại diện FPT Retail chia sẻ sau khi TopZone ra mắt.

Từ kế hoạch mở rộng chuỗi TopZone, CEO Thế giới Di động kỳ vọng Việt Nam sẽ là thị trường nằm trong nhóm 1 của Apple (tương đương thị trường Singapore) để nhận được những ưu tiên trong đầu tư, thay vì trong nhóm 3 như hiện nay.

Đồng thời, TopZone còn được ví là “tiếng pháo” đầu tiên cho những mô hình mới mà Thế giới Di động sẽ tham gia vào, nhằm hướng đến mục tiêu trở thành tập đoàn số 1 Đông Nam Á về bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ liên quan.

“Sau đợt dịch vừa rồi, nhiều nhà bán lẻ rời thị trường và tạo ra những khoảng trống ở một số mảng, Thế giới Di động sẽ phải đi nhanh để có được thị phần”, ông Đoàn Văn Hiểu Em lấp lửng nói về mô hình mới mà họ sẽ khai trương vào cuối năm nay.

Tháng đầu thử nghiệm kinh doanh xe đạp, Thế giới Di động bán ra hơn 800 chiếc
Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (HoSE: MWG) thử nghiệm kinh doanh các loại xe đạp tại 7 cửa hàng đã bán ra hơn 800 chiếc trong tháng 5/2021.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư