Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tham vọng mới của Cảng Quảng Ninh
Thanh Thủy - 05/10/2020 16:28
 
Cảng Quảng Ninh, doanh nghiệp do Tập đoàn T&T nắm 98,33% cổ phần đang lên kế hoạch tăng vốn gấp rưỡi để đầu tư thêm nhà kho, bến cảng.
.
.

Lần đầu tăng vốn sau IPO

Một tháng rưỡi sau khi đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, CTCP Cảng Quảng Ninh (mã CQN – UPCoM) lên kế hoạch tăng gấp rưỡi vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Nội dung này đang được trình các cổ đông thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên Cảng Quảng Ninh lên kế hoạch tăng vốn kể từ sau khi cổ phần hóa từ một doanh nghiệp nhà nước hồi năm 2014.

Sau 6 năm duy trì ở mức 500,5 tỷ đồng, vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng gấp rưỡi lên 750,5 tỷ đồng. Cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được quyền mua 49,99 cổ phần mới phát hành với giá 13.500 đồng/cp. Số tiền huy động được ước tính đạt 337,5 tỷ đồng.

Cổ đông lớn nhất của Cảng Quảng Ninh ở thời điểm hiện tại là CTCP Tập đoàn T&T – tổ chức đang sở hữu 49,2 triệu cổ phần, tương đương 98,33% vốn của công ty. Nếu muốn duy trì tỷ lệ sở hữu như hiện tại, T&T cần phải đầu tư bổ sung thêm gần 246 tỷ đồng trong đợt phát hành này.  

Mặc dù quy mô vốn điều lệ của Cảng Quảng Ninh đi ngang nhiều năm qua, tài sản của Cảng Quảng Ninh lại mở rộng khá nhanh. Nguyên nhân bởi tăng mạnh các khoản công nợ gồm phải thu ngắn hạn khách hàng và phải trả người bán. Trong đó, như ở thời điểm cuối năm 2019, những khách hàng nợ nhiều nhất là CTCP sản xuất bao bì và xuất nhập khẩu Hà Nội với số tiền công nợ phải thu 940,8 tỷ đồng; công ty Xuất nhập khẩu rau quả (327 tỷ đồng); công ty Nông nghiệp BAF Việt Nam…

Cùng đó, kết quả kinh doanh cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng đáng chú ý. Doanh thu các năm 2018 và 2019 cũng tăng lên trên 5.000 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần quy mô doanh thu giai đoạn trước cổ phần hóa. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp lại giảm sâu, tốc độ tăng của lợi nhuận không tương ứng. Sau 6 năm , lợi nhuận tăng 8,23 lần, đạt 83,4 tỷ đồn trong năm 2019. Nửa đầu năm nay, chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của Cảng Quảng  Ninh giảm sâu với doanh thu giảm gần 80% còn 689 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 27 tỷ đồng, giảm khoảng hơn 20% so với cùng kỳ.

.
Kết quả kinh doanh của Cảng Quảng Ninh tăng nhanh các năm qua, nhưng tốc độ tăng của lợi nhuận có phần khiêm tốn hơn

Đón cơ hội từ các dự án nhà máy

Theo tính toán của doanh nghiệp này, tổng giá trị đầu tư xây dựng kho, mua sắm trang thiết bị và xây dựng bến 8&9 giai đoạn 2020-2021 là 629,5 tỷ đồng. Để tài trợ nhu cầu đầu tư trên, ngoài nguồn vốn huy động được từ phát hành cổ phần mới sẽ đóng góp chính (337,5 tỷ đồng), công ty sử dụng 50 tỷ đồng từ vốn tự có và 242 tỷ đồng từ nguồn khác.

Trong đó, nguồn tiền thu được từ phát hành cổ phần mới sẽ sử dụng để sửa chữa, đầu tư mới đường ray, lắp đặt cẩu chân đế, cẩu bánh lốp di động, hệ thống băng tải hàng rời và đóng mới tàu công tác có sức chứa 50 người và tải trọng 20 tấn hàng.

Chỉ riêng khoản chi đầu tư vào 4 cẩu chân đế ở bến số 1 và 2 cẩu bánh lốp di dộng đã cần số vốn lên đến 390 tỷ đồng. Tại bến số 1 - Cảng Cái Lân, công ty dự kiến xây dựng 3 kho hàng với tổng diện tích 2,5 ha và một kho rộng 0,86 ha tại bến số 5 – Cảng Cái Lân với tổng giá trị đầu tư 181,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty dự kiến chi 15,5 tỷ đồng để thực hiện gói tư vấn khảo sát địa hình, địa chất; lập hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; lập dự án đầu tư; thiết kế bản vẽ thi công; xin thỏa thuận để đầu tư xây dựng bến số 8, 9 tại Cảng Cái Lân. Hai bến này sẽ chuyên về xếp dỡ hàng container, hàng rời tổng hợp.

Cảng Quảng Ninh là đơn vị quản lý, khai thác các bến số 1,5, 6,7 tại Cảng Cái Lân. Theo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo quyết định của Bộ Giao thông vận tải, khu bến cảng tổng họp Cái Lân gồm 9 bến. Ngoài 7 bến đã đưa vào sử dụng, Cảng Quảng Ninh đang có kế hoạch đầu tư hai bến còn lại. 

Giải thích về lý do huy động vốn để đầu tư thêm ở thời điểm này, Cảng Quảng Ninh nhận định thời điểm này là hoàn toàn phù hợp. Theo lãnh đạo công ty, xu hướng lượng hàng tổng hợp thông qua cảng có xu hướng tăng nhanh hơn so với hàng container các năm gần đây nên nhu cầu về kho, bãi cũng tăng theo.

Nhiều nhà máy sản xuất mới cũng đang được chuẩn bị đầu tư, xây dựng tại Quảng Ninh. Tập đoàn Vingroup cũng đang nghiên cứu việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ô tô tại thành phố Móng Cái với số vốn 3.400 tỷ đồng, cùng đó là tiềm năng khai thác hàng hóa từ các dự án phát triển giao thông kết nổi đồng bộ gồm đường sắt, đường cao tốc, đường hàng không. Ở thời điểm hiện tại, Texhong, Viglacera, Vinacomin, 2 nhà máy xay lúa mỳ lớn nhât phía Bắc,... cũng là các doanh nghiệp đang có sử dụng dịch vụ logistics của công ty.

VietinBank tha thiết được tăng vốn điều lệ
Ông Nguyễn Thế Huân, Thành viên HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng đang rất cần sự phê duyệt của các bộ, ngành cho phép giữ lại toàn bộ lợi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư