Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tham vọng tỷ USD của Tôn Hoa Sen
Anh Hoa - 03/02/2021 13:40
 
Hoa Sen đặt mục tiêu tham vọng là trở thành doanh nghiệp tỷ USD mà không dựa vào ngành tôn thép.

Quay trở lại đường đua

5 năm nữa, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (mã: HSG) sẽ chính thức chia tay ngôi nhà này. Đó là thời điểm kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn.

Thông tin trên khiến các nhà đầu tư, các cổ đông của Tập đoàn tròn mắt. Để trấn an, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên mới đây, ông Vũ khẳng định, ông sẽ ra đi trong trách nhiệm. Thực tế, ông Vũ luôn xuất hiện mỗi khi cần có động thái trấn an cổ đông.

Chẳng hạn, năm 2016, khi ông Vũ nuôi mộng trở thành “trùm thép” Cà Ná, với động thái đầu tư Tổ hợp Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận, công suất 6 triệu tấn/năm. Với tầm nhìn quy hoạch giai đoạn 2017 - 2031, công suất thiết kế đạt 16 triệu tấn/năm, ông Vũ cũng xuất hiện tại Đại hội đồng cổ đông bất thường để khẳng định dự án này là mục tiêu chiến lược, tối ưu nhất giúp Tập đoàn sản xuất khép kín, hướng tới mục tiêu trở thành doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu trong thời gian tới.

Ông Vũ cũng cho biết, vị trí đặt dự án này được đánh giá là tốt nhất để làm thép trên thế giới. Đồng thời, ông khuyên nhà đầu tư nên nhìn xa trông rộng về những ưu điểm, thuận lợi mà Dự án có thể mang lại trong tương lai.

Dự án trên không thành công, nên lần này, ông lại xuất hiện với quyết định chuyển hướng Hoa Sen sang làm siêu thị vật liệu xây dựng, nội thất với thương hiệu Hoa Sen Home. Ông Vũ trấn an các cổ đông rằng, ông đã chuẩn bị vị thế mới cho Tập đoàn: trở thành doanh nghiệp tỷ USD mà không dựa vào ngành tôn thép.

Theo ông, khi làm mảng đó, Hoa Sen vẫn có đủ điều kiện trở thành tập đoàn lớn mạnh dù vắng ông. Trước khi rút khỏi doanh nghiệp này, ông Vũ sẽ bán hết cổ phiếu HSG và nếu trong vòng 5 năm tới, Hoa Sen làm đúng những mục tiêu đề ra và người điều hành tốt, thì doanh thu có thể đạt 5 tỷ USD.

Bên cạnh việc thay đổi chiến lược, để đảm bảo các mục tiêu đặt ra thành hiện thực, ông và Ban tổng giám đốc sẽ chọn người kế nhiệm.

Ấp ủ giấc mơ quay trở lại đường đua trên thị trường tôn thép bằng nước cờ mới, Hoa Sen Home sẽ trải qua 2 giai đoạn chính.

Cụ thể, giai đoạn I, Công ty tập trung mở rộng mặt hàng kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bên cạnh các sản phẩm tôn, ống thép, ống nhựa hiện có.

Giai đoạn II, Hoa Sen Home sẽ mở rộng sang lĩnh vực trang trí nội thất, đầu tư xây dựng các trung tâm phân phối và đầu tư vào các công ty sản xuất trong chuỗi cung ứng.

Trong năm nay, Hoa Sen sẽ tập trung mở mới và nâng cấp những cửa hàng hiện có thành chuỗi siêu thị. Hoa Sen cũng không mua hay bỏ vốn xây dựng cửa hàng, mà chuyển sang thuê, hạch toán chi phí theo tháng để tránh rủi ro. Đặc biệt, Hoa Sen sẽ tận dụng giá cho thuê mặt bằng thấp trong bối cảnh Covid-19 hiện nay.

Mục tiêu của chuỗi siêu thị là khai thác tối đa nguồn lực hiện có của hệ thống phân phối, tập khách hàng lớn, giảm chi phí hoạt động.

Doanh nghiệp định hướng, bên cạnh các sản phẩm tôn, thép, nhựa đang sản xuất, Hoa Sen sẽ bán tất cả nguyên liệu cần thiết cho xây dựng nhà trong hệ thống siêu thị, triển khai hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp (ERP) giai đoạn II, đưa website/app bán hàng trực tuyến vào hoạt động.

Tập đoàn Hoa Sen đặt mục tiêu có 150 siêu thị Hoa Sen Home trong năm nay và tăng dần lên 1.200 vào năm 2025. Ngay trong tháng 3 năm nay, Tập đoàn sẽ ra mắt 30 siêu thị Hoa Sen Home.

Với chiến lược này, Hoa Sen kỳ vọng đến niên độ 2025 - 2026 sẽ đạt doanh thu xấp xỉ 78.000 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 3.000 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với niên độ tài chính vừa qua. Riêng năm 2021, Hoa Sen đặt mục tiêu 33.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 20%; lãi sau thuế 1.500 tỷ đồng, tăng 30% so niên độ trước. Hoa Sen ghi nhận doanh thu niên độ 2019 - 2020 đạt 27.521 tỷ đồng, giảm nhẹ; lãi sau thuế 1.153 tỷ đồng, gấp 3,2 lần năm trước đó.

Bên cạnh đó, Hoa Sen tiếp tục tìm kiếm, đàm phán với các đối tác chiến lược tiềm năng, nhằm xây dựng, hoàn thiện phương án phát hành cổ phiếu cho các đối tác chiến lược, phục vụ chiến lược phát triển của Tập đoàn trong tương lai.

Vẫn đối mặt với “ông lớn” Hòa Phát

Mục tiêu khi gia nhập lĩnh vực bán lẻ siêu thị đã rõ, nhưng để phát triển chuỗi không dễ.

Là chuỗi siêu thị sinh sau đẻ muộn, Hoa Sen Home sẽ đầu tư mạnh cho công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo với mục tiêu đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Giới phân tích cho rằng, việc các nhà sản xuất tôn thép mở chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng, nội thất như Hoa Sen đang là xu hướng chung. Tuy nhiên, để làm được chuỗi quy mô lớn, cần nguồn vốn “khủng”. Đặc biệt, thói quen người tiêu dùng Việt Nam chưa thay đổi nhiều khi vẫn di chuyển đến địa điểm, cửa hàng gần nhà để mua sắm… Nếu trong vòng 5 năm tới, thói quen tiêu dùng này dần thay đổi và hạ tầng công nghệ thông tin phát triển hơn, thì chiến lược sử dụng trí tuệ nhân tạo của Hoa Sen Home mới thành công.

Trên thị trường hiện nay có một số tên tuổi đang hoạt động mạnh như chuỗi siêu thị TMT Home Mart thuộc Thiết Thạch Group. Chuỗi này hướng đến tệp khách hàng là chủ đầu tư bận rộn có thể giám sát việc cung cấp vật tư thông qua hệ thống camera từ xa bằng smartphone. Tuy nhiên, địa bàn kinh doanh mới tập trung ở thị trường TP.HCM và theo hình thức tổng hợp đầy đủ các sản phẩm vật liệu xây dựng đa dạng về chủng loại, phong phú về thương hiệu. Ngoài các loại vật liệu xây dựng thông thường như xi măng, sắt thép, gạch, đá, cát, siêu thị này còn có đầy đủ các thiết thị thi công như búa, bay, khoan, cắt, cưa…

Hay như Siêu thị vật liệu xây dựng VNMart thuộc Công ty cổ phần Đại Lợi Phát cũng mở rộng tới 12 siêu thị.

Trên thị trường vật liệu xây dựng cũng xuất hiện tay chơi ngoại như American Home Depot thuộc Công ty American Home Việt Nam (từng là công ty thành viên của VinaCapital từ năm 2010 và quỹ này đã thoái vốn vào năm 2019). Việc đưa chuỗi American Home Depot ra thị trường TP.HCM 4 năm trước với vốn đầu tư khoảng hơn 40 triệu USD nằm trong chiến lược dài hạn của công ty này nhằm xây dựng các siêu thị vật liệu xây dựng và trang trí nội thất quy mô lớn, hiện đại để phục vụ thị trường nội địa.

Lãnh đạo công ty này từng bày tỏ tham vọng muốn phát triển một thương hiệu mua sắm hiện đại theo mô hình “one-stop shop” ngày càng phổ biến trên thế giới tại Việt Nam.

Công ty đặt mục tiêu trong 15 - 20 năm tiếp theo sẽ mở thêm 20 siêu thị trong chuỗi hệ thống của mình để đáp ứng nhu cầu của các nhà phát triển bất động sản và hàng triệu gia đình cả nước.

Trong khi đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ MovaMart của Tập đoàn A&P (A&P Group) cũng ôm tham vọng xây dựng chuỗi này tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, mỗi thành phố lớn sẽ có 5 cửa hàng.

Thực tế, sự cạnh tranh đến từ các đối thủ chuỗi nói trên không được coi là rủi ro đối với Tập đoàn Hoa Sen. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần nội địa tôn mạ và ống thép của Hoa Sen ít biến động trong niên độ tài chính 2019 - 2020, lần lượt nắm giữ 25% và 18% sản lượng tại thị trường nội địa.

Lợi thế sở hữu thương hiệu tôn mạ số 1 Việt Nam và chuỗi hệ thống phân phối tôn mạ, ống thép lớn nhất cả nước giúp Hoa Sen đáp ứng nhu cầu thép trong nước được dự kiến sẽ tăng trưởng khả quan nhờ sự phục hồi của thị trường bất động sản và việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu cũng nhiều triển vọng, với giá thép sẽ vẫn ở mức cao do nhu cầu tái đầu tư tăng nhanh hậu Covid-19 tại nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, việc dư cung và áp lực cạnh tranh từ đối thủ chính là Thép Hòa Phát được xem là hai rủi ro lớn nhất đối với Hoa Sen trong dài hạn, ngay cả khi Hoa Sen nhảy vào mảng bán lẻ vật liệu xây dựng, nội thất.

Do rào cản gia nhập ngành thấp, vài năm trở lại đây, Hòa Phát cùng với Pomina, Mỹ Việt, với nền tảng hoạt động trong lĩnh vực thép xây dựng, ống thép, đã mở rộng sang lĩnh vực tôn mạ. Hiện các đối thủ này vẫn đang phát triển hệ thống phân phối và tìm kiếm cơ hội mở rộng thị phần. Đáng chú ý, trong quý III/2020, Hòa Phát là doanh nghiệp thứ hai trong nước (cùng với Forrmosa) có thể tự sản xuất thép HRC. Khác với Formosa chỉ dừng lại ở việc sản xuất thép HRC, Hòa Phát hiện còn là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần ống thép số 1 Việt Nam. Hòa Phát đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất tôn mạ (năm 2016) và phát triển nhanh hệ thống đại lý phân phối cả nước.

Với hoạt động sản xuất tương đối khép kín từ nhập quặng sắt đến sản xuất thành phẩm cuối cùng tôn mạ và thép ống, Công ty Chứng khoán VCBS ước tính, Hòa Phát có lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn 16 - 18% so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành. Ngoài ra, đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, ngoài 2 dự án thép HRC của Formosa và Hòa Phát, chưa có dự án nào khác được cấp phép xây dựng. Vì vậy, Hòa Phát đang sở hữu lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất tương đối lớn so với các đối thủ mảng tôn mạ và ống thép.

Như vậy, chưa biết Hoa Sen có làm nên chuyện hay không, song việc sở hữu hệ thống 10 nhà máy nằm ở các vị trí chiến lược tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, cùng hệ thống phân phối gần 600 cửa hàng trực thuộc trải dài trên cả nước là cơ sở để ông Lê Phước Vũ tin sẽ bành trướng mảng bán lẻ thành công.

Doanh nhân Lê Phước Vũ: Chuyện đạo và đời
Tinh thần đạo Phật không chỉ toát lên ở ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, mà nó thực sự thấm nhuần trong văn hóa của tập đoàn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư