Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Than lậu vẫn được hậu thuẫn, bảo kê
Hoàng Nam - 24/09/2013 07:58
 
Kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với hoạt động sản xuất -  kinh doanh than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cho thấy, than lậu, than trái phép vẫn còn đất để tồn tại. Vinacomin thu thêm 2.000 tỷ đồng từ tăng giá than

Than lậu xen kẽ với than hợp pháp

Theo Báo cáo số 8078/BCT-TCNL vừa được Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ, hiện tượng khai thác, kinh doanh than trái phép, với quy mô nhỏ lẻ ở một số nơi, đang diễn biến phức tạp và ngày một tinh vi hơn.

Cả hóa đơn, chứng từ nguồn than hợp pháp cũng bị đối tượng buôn lậu
lợi dụng để quay vòng

Cụ thể, vẫn tồn tại lán trại trái phép trong ranh giới quản lý của Công ty PT Vietmindo Energitama và người dân vẫn vào thu nhặt than tại các bãi thải của Công ty.

Hiện tượng khai thác than trái phép vẫn còn ở một số vườn - rừng thuộc địa bàn xã Tràng Lương, huyện Đông Triều, ngoài ranh giới cấp phép khai thác than của Công ty TNHH một thành viên Than Hồng Thái, đơn vị thành viên của Công ty TNHH một thành viên Than Uông Bí - Vinacomin.

Đoàn kiểm tra nhận định, hoạt động kinh doanh than trái phép chủ yếu diễn ra tại các kho bãi chứa than tự phát (không thuộc Quy hoạch), nằm xen kẽ trong khu dân cư.

Thực tế kiểm tra khu vực cảng Km6 cho thấy, vẫn còn một số bến bãi chứa than chất lượng thấp, nhỏ lẻ nằm xen kẽ với bãi chứa than của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Trưởng đoàn kiểm tra cho biết, để xảy ra tình trạng này là do trong diện tích Vinacomin được giao quản lý, bảo vệ, khai thác, còn nhiều diện tích chưa được cấp phép khai thác. Trong đó, có những phần diện tích nằm chồng lấn với diện tích nhà, vườn - rừng của người dân thuộc diện quản lý của nhiều đơn vị, tổ chức khác nhau. Vì vậy, việc quản lý tài nguyên rất phức tạp.

Bên cạnh đó, cuộc sống của nhiều người dân có than ngay trong nhà, vườn còn rất khó khăn, nên khó tránh khỏi vi phạm ở quy mô nhỏ.

Trên thực tế, việc giải quyết than ở các kho bãi ngoài quy hoạch và trong khu vực nhà dân chưa triệt để, dẫn tới tình trạng một số cá nhân lợi dụng để tiếp tục mua và kinh doanh than có nguồn gốc trái phép.

Theo Quyết định 29/2008/QĐ-BCT của Bộ Công thương, Vinacomin là đầu mối duy nhất được phép mua nguồn than trôi nổi trên địa bàn Quảng Ninh của một bộ phận người dân vùng mỏ, nhưng thực tế vẫn còn tình trạng các đầu nậu thu gom nguồn than này, với giá cao hơn so với giá thu mua của Vinacomin.

Tiếp tay cho sự tồn tại của than lậu, than trái phép còn là sự hậu thuẫn của các bến bãi than tại những địa bàn Quảng Ninh giáp ranh với Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh và Bắc Giang. Đoàn kiểm tra đánh giá, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh than lậu “ngày càng đa dạng và tinh vi, như sử dụng hóa đơn chứng từ nguồn than hợp pháp để quay vòng; mua bán than có nguồn gốc trái phép được vận chuyển từ Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí để kinh doanh trái phép”.

Trước đó, theo số liệu thống kê trong 6 tháng đầu năm 2013 của Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc, có sự chênh lệch tới 2 triệu tấn than xuất khẩu từ Việt Nam. Lượng chênh lệch này chủ yếu là nguồn than lậu, than trái phép.

Vinacomin không bảo vệ xuể

Ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinacomin cho hay, cho dù Tập đoàn đã phối hợp với địa phương kiểm soát khá chặt chẽ, song vẫn còn nhiều cách để có than xuất lậu. Chuyện “không thiếu ô tô chở đầy than ra khỏi mỏ rồi bị ép phải san gạt lại khi xe đang lưu thông trên đường, ngoài khu vực quản lý của Vinacomin. Nhiều lái xe bị bắt ép đổ cả xe than xuống khi đang vận chuyển trên đường”, cũng được người đứng đầu Vinacomin nhắc tới với phóng viên Báo Đầu tư.

Liên quan đến việc “than lậu có nguồn gốc từ Vinacomin và đề nghị Vinacomin quản lý chặt hơn nguồn than hàng hóa này” mà Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính đề cập tại cuộc làm việc của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải với ngành than giữa tháng 8 vừa qua, cũng được thẳng thắn nhìn nhận.

“Hiện tượng móc ngoặc giữa một số đối tượng xã hội đen ở bên ngoài với một số nhân viên quản lý kho tại một vài đơn vị của Vinacomin là có và đã được xử lý. Việc luân chuyển lao động ở các vị trí nhạy cảm liên quan đến xuất nhập than cũng được Vinacomin thực hiện liên tục”, ông Hòa nói và cho biết thêm, Vinacomin cũng đã kịp thời ngăn chăn, xử lý các vụ việc đưa máy xúc vào bốc xúc đất, đá trái phép ở Rừng Nam - Khe Sú (trong ranh giới quản lý của Công ty TNHH một thành viên Than Hồng Thái), khu vực Khe Cả (trong ranh giới quản lý của Công ty TNHH một thành viên Than Đồng Vông) vào dịp lễ và Tết Nguyên đán...

“Anh em bảo vệ cũng rất vất vả, đã xảy ra đổ máu khi ngăn chặn các đối tượng ăn cắp than. Vì vậy, chúng tôi rất mong có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và phối hợp chặt từ địa phương. Riêng ngành than không thể bảo vệ được toàn bộ tài nguyên. Giờ quân số bảo vệ của Vinacomin là 5.000 người, chứ có lên tới 10.000 người, mà chỉ có ngành than thì vẫn không thể bảo vệ nổi”, ông Hòa bức xúc.

Nhằm quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh than, tiến tới không tái diễn khai thác, kinh doanh than trái phép trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công thương đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh hàng loạt giải pháp, như khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Khoanh định khu vực cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản để trình Chính phủ phê duyệt; kiên quyết xóa bỏ các bến, cảng nằm ngoài Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày trong quý IV/2013...

Trước thực trạng còn tới khoảng 10 đầu mối mua than trôi nổi do UBND tỉnh cấp phép đang hoạt động, Bộ Công thương đề nghị tỉnh tổ chức lại các đầu mối này theo hướng giảm số lượng và phải đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh than theo Thông tư 14/2013/TT-BCT.

Vinacomin sắp thoát nộp 100 tỷ đồng thuế
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thống nhất với ý kiến của Bộ Công thương về việc các linh kiện, vật tư nhập khẩu đồng bộ của Dự án bauxit...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư