Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Thần tốc mở rộng mạng lưới, Pharmacity gánh khoản lỗ 265 tỷ đồng cả năm 2019
Thanh Thủy - 30/04/2020 13:21
 
Chỉ tính riêng 5 năm gần đây, khoản lỗ lũy kế của Pharmacity đã xấp xỉ 577 tỷ đồng. Năm 2019 cũng ghi nhận khoản lỗ kỷ lục, đồng thời, cũng là năm chuỗi này mở rộng nhanh mạng lưới. Số lượng cửa hàng được kỳ vọng sẽ tăng lên con số 1.000 vào năm 2021.
Chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity mở rộng nhanh trong năm 2019
Chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity mở rộng nhanh trong năm 2019

Đầu tư mở rộng và thêm một năm thua lỗ 

CTCP Dược phẩm Pharmacity vừa công bố tình hình tài chính sơ lược với khoản lỗ ròng 265 tỷ đồng trong năm 2019. Tính riêng 5 năm gần đây, khoản lỗ lũy kế của Pharmacity đã xấp xỉ 577 tỷ đồng.

Cuối năm 2019, vốn điều lệ của doanh nghiệp này vừa tăng từ 300 tỷ đồng lên xấp xỉ 350 tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2018, hãng này đã tăng vốn từ 37 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng. Giá phát hành không được công ty công bố, nhưng khả năng cao, lớn hơn nhiều mệnh giá cổ phần.

Sau nhiều năm thua lỗ, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đến cuối năm 2019 còn 163 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đạt 3 lần, tương đương nguồn vốn nợ đang chiếm tới 75% tổng nguồn vốn với giá trị khoảng gần 490 tỷ đồng. Trong đó, Pharmacity đã huy động tổng cộng 150 tỷ đồng trong quý IV/2019 thông qua kênh phát hành trái phiếu với mục đích chính là mở rộng mạng lưới bán lẻ. Hiện công ty đã giải ngân 120,8 tỷ đồng trong số vốn huy động được.

Trái phiếu có kỳ hạn hai năm và được áp dụng mức lãi suất cố định 13%/năm. Đây cũng là một trong các đợt phát hành có lãi suất cao trên thị trường do trái phiếu không có tài sản đảm bảo và Pharmacity cũng đã thua lỗ nhiều năm. Điểm đặc biệt là toàn bộ nhà đầu tư mua trái phiếu đều là các cá nhân, trong đó một phần nhỏ là cá nhân nước ngoài.

Tham vọng 1.000 cửa hàng đến cuối năm 2021

Pharmacity thành lập vào tháng 11/2011 với định hướng trở thành chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại. Giữa năm 2019, quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III)thuộc Mekong Capital đã công bố việc rót vốn vào chuỗi nhà thuốc. Đầu tháng 2/2020, nhà bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam công bố vừa gọi vốn thành công 31,8 triệu USD (khoảng 730 tỷ đồng) - khoản đầu tiên của vòng Series C.

Hệ thống phân phối của chuỗi này mở rộng nhanh trong năm 2019 vừa qua. Từ 150 cửa hàng vào cuối năm 2018, Pharmacity đến nay đã có 326 cửa hàng ở nhiều tỉnh thành. Tuy nhiên, tham vọng của chuỗi bán lẻ dược phẩm này còn lớn hơn với mục tiêu mở mới 350 cửa hàng trong  năm 2020 và đạt con số 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Bên cạnh hệ thống cửa hàng, giao dịch trực tuyến cũng là điểm mạnh của chuỗi này. Người mua hàng hiện đã có thể đặt hàng qua điện thoại/ website và được giao tận nơi dù hiện mới áp dụng tại TP. HCM.

Khi vốn chủ sở hữu của công ty đã hụt đi đáng kể vì thua lỗ, nguồn vốn mới huy động hồi đầu năm 2020 sẽ tiếp lực cho Pharmacity thực hiện mục tiêu mở rộng thị phần. Trong khi miếng bánh thị trường còn phân mảnh, chiến lược mở rộng hệ thống nhanh của chuỗi sẽ giúp thương hiệu Pharmacity sớm được định vị. Nhưng đổi lại, bài toán cân đối tài chính không dễ giải. Ít nhất, khoản trái phiếu mà Pharmacity huy động năm vừa qua sẽ đến hạn vào cuối năm 2021.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư