Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tháng 1/2019: CPI chỉ tăng 0,1%, mua trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối
Như Chính - 31/01/2019 11:00
 
Hôm nay 31/1, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1/2019 - phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2019.

Tại phiên họp, Chính phủ sẽ tập trung thảo luận một số nội dung chính, gồm Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và tình hình thực hiện Nghị quyết 01; Báo cáo về tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; phương án giao cơ quan đầu mối quản lý chất thải rắn; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và thảo luận về một số dự án luật…

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019

Qua tháng đầu tiên của năm 2019, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục diễn biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm trước tăng 22,1%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%).

Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%. Xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI tăng 3,2% (kể cả dầu thô).

Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ với mức 1,9%, trong đó trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 7,8%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018.

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho biết, tháng 1, tháng đầu tiên của năm 2019 có phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", kết quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước vẫn tiếp tục xu hướng tốt của năm 2018.

Việc Đội tuyển Bóng đá nam Việt Nam kết thúc tham dự Asian Cup 2019 với kết quả lọt vào tứ kết cũng tạo khí thế mới, không khí hân hoan, phấn khởi.

Cũng trong tháng 1, Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam đã tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, tại đây, chúng ta đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam đổi mới sáng tạo, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2019

Trong tháng 1, kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định, CPI tháng 1 chỉ tăng 0,1%. Tỷ giá, lãi suất ổn định. “Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có báo cáo tôi là trong tháng qua, chúng ta mua trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Giá trị đồng Việt Nam trong bối cảnh quốc tế như vậy là đáng mừng”, Thủ tướng cũng cho biết, ông được Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo về việc chế độ hỗ trợ đã được đưa đến tận tay, tận nhà các đối tượng chính sách, nhất là ở các vùng khó khăn.

Thủ tướng cũng cho biết ông được Bộ trưởng Bộ Công Thương báo cáo hệ thống bán lẻ đã chuẩn bị một cơ số hàng hóa bảo đảm phục vụ nhu cầu nhân dân dịp Tết. “Đây là khâu cần tiếp tục chỉ đạo mạnh hơn, không để thiếu hàng trong dịp này”, Thủ tướng nêu rõ. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý, do nhu cầu hàng hóa cuối năm rất cao nên trong tháng 1 có hiện tượng nhập siêu (xuất khẩu 20 tỷ USD, nhập khẩu 20,8 tỷ USD).

Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, kiểm tra lại thực hiện công tác phục vụ nhân dân đón Tết, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng thiên tai, “xem khâu nào chúng ta cho là khâu yếu và cần chỉ đạo khắc phục”. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “cái gì làm được trước Tết thì tranh thủ làm”, nhất là khâu kiểm tra, đôn đốc.

Cần tiếp tục đổi mới công tác điều hành quản lý để tập trung vào những việc quan trọng của đất nước. Thủ tướng lấy ví dụ về đổi mới trong phân bổ, bố trí ngân sách, như thay vì phân bổ mỗi nơi một ít thì nên tập trung vào một số công trình quan trọng, cấp thiết. “Cách làm đó mới là đổi mới”. Hay vấn đề an toàn giao thông, mặc dù đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, thì cần đổi mới để giảm tai nạn giao thông.

Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát tình hình thị trường, nhất là giá cả dịp Tết để không có yếu tố bất ngờ xảy ra, bảo đảm phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

“Còn khâu nào yếu chúng ta phải khắc phục”, Thủ tướng nhấn mạnh đề nghị này đối với từng cấp, từng ngành.

Việt Nam nhập siêu gần 800 triệu USD ngay trong tháng đầu năm 2019
Hoạt động xuất khẩu vẫn giữ nhịp tăng trưởng, song ngay trong tháng đầu tiên của năm 2019, nhập siêu đã quay trở lại.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư