Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thành lập Hiệp hội Logistics Hà Nội
Khánh Linh - 12/11/2022 22:09
 
Ngày 12/11, Hiệp hội Logistics Hà Nội ra mắt. Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Delta được bầu làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2022-2025.
,
Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Hà Nội nhiệm kỳ 2022-2025 gồm 16 thành viên.

Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics Hà Nội gồm 16 thành viên, gồm Chủ tịch Trần Đức Nghĩa và 4 Phó chủ tịch là ông Vũ Duy Nguyên (Phó trưởng Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính), ông Nguyễn Xuân Hùng (Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Thương mại Đường sắt), ông Triệu Văn Bằng (Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế) và bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinafco.

Phó chủ tịch Phạm Thị Lan Hương kiêm vị trí Tổng thư ký Hiệp hội. 

Phát biểu nhận nhiệm vụ sau khi ra mắt, ông Trần Đức Nghĩa, tân chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) cam kết xây dựng và củng cố sự gắn kết giữa các hội viên, hội nhập với hoạt động logistics trên toàn quốc và quốc tế để cùng nhau phát triển đúng như slogan của Đại hội ngày hôm nay là “Gắn kết - Hội nhập - Phát triển”.

“Với tiềm năng và lợi thế của Hà Nội, chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động logistics sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng Thủ đô ngày một giàu đẹp hơn. Đây sẽ là mục tiêu mà tất cả hội viên và Ban chấp hành Hiệp hội Logistics Hà Nội mới được bầu ra ngày hôm nay sẽ nỗ lực phấn đấu”, Chủ tịch HNLA Trần Đức Nghĩa nhấn mạnh.

Trước đó, các doanh nghiệp thành viên đã nhắc đến thực trạng chi phí logistics cao trong tổng GDP đang làm hạn chế sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Tỷ trọng chi phí logistics cao của Việt Nam bắt nguồn từ cơ cấu nền kinh tế cũng như các lý do đến từ hiệu quả thấp của hoạt động logistics tại Việt Nam, quy mô hoạt động chưa tối ưu của doanh nghiệp logistic.

Chi phí logistics cao tại Việt Nam cũng có nguyên nhân đến từ quy hoạch logistics  chưa được quan tâm đúng mức trong nhiều thập kỷ qua và cả những nguyên nhân đến từ thể chế chính sách.

Trong Đơn đề nghị thành lập Hiệp hội Logistics Hà Nội gửi Sở Nội vụ Hà Nội, các doanh nghiệp nhìn nhận vai trò của mình trong việc cải thiện chi phí này.

Đặc biệt, dưới góc nhìn của những người đã và đang hành nghề logistics trong nhiều năm trên địa bàn Thủ đô, các doanh nghiệp logistics tin rằng Hà Nội cần phải phát huy vai trò là đầu mối logistics của các tỉnh khu vực phía Bắc.

Trong đó, quan trọng nhất là phải thúc đẩy kết nối các loại hình hoạt động logistics, vận tải đa phương thức, quy hoạch và xây dựng các trung tâm logistics cấp quốc gia và khu vực, liên kết các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ logistics trên địa bàn Thủ đô, đóng góp vào sự phát triển của ngành logistics cả nước.

“Hiệp hội Logistics Hà Nội mong muốn sẽ đóng vai trò là cầu nối giữa Chính quyền Thành phố với các hoạt động logistics đang diễn ra trên địa bàn, tham mưu và phản biện các chính sách liên quan đến việc phát triển hoạt động logistics trên địa bàn Thủ đô, đúng theo tôn chỉ mục đích của Hiệp hội”, các doanh nghiệp logistics Hà Nội đồng thuận trong đơn Đề nghị thành lập trước đó.

Phát biểu chào mừng, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực logistics, coi đây là chìa khóa giúp cho các doanh nghiệp logistics của Hà Nội hội nhập và phát triển không chỉ trong thị trường Việt Nam mà còn vươn ra thị trường thế giới.

“Hiệp hội Logistics Hà Nội và các doanh nghiệp hội viên cần có nhiều hoạt động phối hợp với các trường đại học, các viện nghiên cứu trên địa bàn trong thời gian tới”, ông Hải gửi thông điệp tới các thành viên HNLA

Quy hoạch 7 trung tâm logistics, vì sao TP.HCM chưa làm trung tâm nào?
Dù đã quy hoạch 7 trung tâm logistics nhưng đến nay TP.HCM chưa xây dựng được trung tâm nào vì một trung tâm logistics cần vốn đầu tư rất lớn, trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư