Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Thành lập Hội đồng thẩm định chủ trương xây dựng Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics
T.T - 24/07/2025 21:10
 
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1593/QĐ-TTg ngày 24/7/2025 về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics và khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại TP. Hồ Chí Minh

Theo quyết định, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tài chính.

Ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo các Bộ: Xây dựng; Quốc phòng; Công an; Công thương; Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tư pháp và lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Tài chính là cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước. 

Quyết định nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các ủy viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện tương ứng theo quy định tại các Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư

Các Thành viên có tránh nhiệm tham gia ý kiến đúng thời hạn theo đề nghị của Cơ quan thường trực Hội đồng, trường hợp quá hạn chưa trả lời thì coi là thống nhất với nội dung lấy ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng và hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc không trả lời đúng hạn. Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện báo cáo thẩm định theo quy định, trong đó khẳng định rõ hồ sơ Dự án đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án.

Quyết định yêu cầu các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Tài chính) trước ngày 26/72025. 

Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ.

Hệ thống cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu tập trung tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, hiện được đánh giá là mạng lưới cảng phát triển nhất cả nước. Đây là nơi tập trung nhiều cảng container quốc tế lớn như Gemalink, CMIT, TCIT, SP-PSA, SITV... với hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thời gian giải phóng tàu nhanh và có thể đón tàu trọng tải tới 250.000 tấn - năng lực rất ít cảng ở châu Á có được.

Cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò cửa ngõ xuất khẩu chiến lược cho toàn vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt khi hệ thống cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện đã gần đạt ngưỡng chịu tải về hạ tầng. Theo báo cáo năm 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) và S&P Global, cụm cảng này đứng thứ 7 toàn cầu về chỉ số CPPI (Chỉ số hiệu quả cảng container), vượt qua cả những cảng trung chuyển nổi tiếng như Yokohama (Nhật Bản), Hồng Kông (Trung Quốc) hay Singapore.

Từ đầu năm 2025, cụm cảng tiếp tục ghi dấu ấn mới. Ngày 17/5, cảng SSIT lần đầu tiên đón tàu Zim Wilmington thuộc hãng tàu Zim (Israel), đánh dấu việc chính thức gia nhập tuyến hàng hải Lone Star Express kết nối Việt Nam trực tiếp với bờ đông Hoa Kỳ. Tuyến này còn được hãng MSC, doanh nghiệp vận tải biển lớn nhất thế giới phối hợp khai thác, mở thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn nữa. Đặc biệt, trong liên minh Gemini vừa được hình thành giữa Maersk (Đan Mạch) và Hapag Lloyd (Đức), hai “ông lớn” của ngành vận tải biển thế giới, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được chọn làm cảng chính duy nhất ở phía nam Việt Nam, thể hiện rõ vị thế chiến lược trong mạng lưới logistics toàn cầu. Hiện nay, mỗi tuần có tới 48 tuyến tàu container quốc tế cập cảng Cái Mép - Thị Vải, tăng 11 tuyến so với năm trước.... Do vậy, đầu tư dự án Tổ hợp khu cảng Cái Mép Hạ hạ lưu, trung tâm logistics và khu chức năng công nghiệp, đô thị, dịch vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết.

Thêm nhà đầu tư khủng xin đầu tư Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ
Theo quy hoạch, khu bến Cái Mép (bao gồm Dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ) là khu bến chính của cảng cửa ngõ, trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư